Năm 2018, CapCut ra mắt tại Trung Quốc và gây tiếng vang lớn. Hai năm sau, ứng dụng "cùng nhà" với TikTok vươn ra thế giới. Ban đầu, công cụ chỉnh sửa video của ByteDance hoạt động miễn phí. Cuối 2020, nền tảng chuyển sang mô hình trả phí.
Theo Digital Information World, sự trỗi dậy của CapCut là nhờ thành công của TikTok. Ứng dụng video ngắn thịnh hành khắp thế giới kéo theo nhu cầu chỉnh sửa clip nhanh cho người dùng. CapCut được đánh giá phục vụ chính xác những gì người chơi TikTok cần.
Ứng dụng này tích hợp sẵn nhiều công cụ chỉnh sửa video chuyên nghiệp, hiệu ứng bắt "trend" và nhiều tính năng thông minh. Các tính năng trên CapCut dễ dùng, không mất nhiều thời gian để tạo video ngắn. Định dạng video cũng được thiết kế để người dùng chia sẻ nhanh lên các nền tảng như TikTok, Instagram.
Thống kê của Sensor Tower cho thấy, CapCut hiện có hơn 300 triệu người dùng hàng tháng, trong đó 81% người dùng sử dụng trên thiết bị di động. Trong quý đầu tiên của 2024, công cụ cán mốc 59 triệu USD doanh thu, tăng 436% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của AppFigures.
Sự phổ biến của CapCut đe dọa vị trí của Adobe, công ty thống trị lĩnh vực phần mềm sáng tạo dành cho PC trong nhiều năm.
Bloomberg dẫn lời Jalen, TikToker với gần 20.000 người theo dõi, cho biết CapCut thu hút anh bởi giao diện dễ dùng, video đăng tải được đóng dấu bản quyền bằng liên kết.
Theo nhà phân tích Tyler Radke tại Citigroup, việc công cụ của ByteDance được áp dụng trên diện rộng sẽ đe dọa trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng người dùng của Adobe Premiere Pro hay After Effects. Một số nhà làm phim chuyên nghiệp vẫn dựa vào Adobe cho dự án phức tạp. Nhưng với các sản phẩm đơn giản hơn, ngày càng nhiều người chuyển sang dùng CapCut. "So với Adobe, CapCut chưa hoàn thiện, nhưng thực sự dễ tiếp cận", Brianna Thompson, nhà làm phim quảng cáo tự do nói với Bloomberg.
Người phát ngôn của ByteDance từ chối bình luận. Trong khi đó, Adobe đã tung ra một số bản rút gọn của các bộ chỉnh sửa video chuyên nghiệp, hướng đến người dùng phổ thông nhằm cạnh tranh với các ứng dụng mới nổi. Tuy nhiên, những nỗ lực của Adobe vẫn chưa cho thấy hiệu quả.
Ứng dụng chỉnh sửa video từ Trung Quốc không chỉ đe dọa Adobe. Canva, công ty phần mềm của Australia, cũng đang tìm cách vượt qua CapCut để mở rộng các tính năng đa phương tiện. Giám đốc sản phẩm Rob Kawalsky cho biết Canva đã "liên tục đầu tư vào video". So với năm ngoái, số lượng người tạo video trên nền tảng tăng 44%, bằng một phần 10 so với đà tăng của CapCut.
Hành trình chinh phục thế giới của CapCut có nhiều điểm tương đồng TikTok. Ứng dụng phát triển rất nhanh nhưng cũng đối mặt nguy cơ. TikTok đang phải xoay xở để tiếp tục hoạt động tại Mỹ, trong khi nhiều người lo ngại khi CapCut sẽ là ứng dụng tiếp theo được gọi tên.