Đột quỵ là dạng tai biến đáng sợ có thể đe dọa tính mạng con người. Theo Mayo Clinic (Mỹ), đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến người trên 65 tuổi. Trung tâm này thống kê, khoảng 34% số người nhập viện do đột quỵ có độ tuổi dưới 65.
Mặc dù nguy cơ đột quỵ gia tăng theo tuổi, nhưng bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị đột quỵ. Vì thế, nếu bạn thuộc các nhóm yếu tố nguy cơ, việc đánh giá rủi ro cá nhân và sàng lọc đột quỵ là điều vô cùng quan trọng.
Dấu hiệu sớm của đột quỵ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nguy cơ đột quỵ sẽ gia tăng khi chúng ta già đi. Theo dự báo của cơ quan này, nguy cơ đột quỵ tăng gần gấp đôi mỗi 10 năm sau độ tuổi 55.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhấn mạnh, đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Đột quỵ hiện không còn là bệnh thường gặp ở những người cao tuổi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, số ca đột quỵ tăng lên ở những người trẻ tuổi kể từ năm 1990. Do đó, việc biết được những dấu hiệu sớm của đột quỵ là điều hữu ích đối với bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào.
Không phải trường hợp nào cũng có thể dự báo sớm được nguy cơ đột quỵ thông qua các dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, các dấu hiệu của đột quỵ là đột ngột chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc gặp vấn đề về thị lực. Thế nhưng, nhiều trường hợp đột quỵ có dấu hiệu thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) trong vòng 90 ngày, trước khi cơn đột quỵ thực sự xảy ra. TIA còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ, là kết quả của tình trạng ngừng lưu thông máu đến não trong thời gian ngắn.
Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, khoảng 20% số ca bị TIA có thể bị đột quỵ trong vòng 90 ngày sau đó. Vì thế, TIA còn được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ. Các triệu chứng của TIA cũng gần giống như đột quỵ, bao gồm mất thăng bằng và gặp vấn đề về sự tỉnh táo, giác quan hoặc các vấn đề về cơ.
Ngoài ra, nếu đột ngột gặp các dấu hiệu này, hãy cẩn trọng vì đó là các dấu hiệu sớm khác của đột quỵ:
- Lú lẫn
- Nói khó, không hiểu lời nói
- Gặp khó khăn khi đi bộ
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
- Nhìn khó ở một hoặc cả 2 bên mắt
- Yếu hoặc tê một bên chân
Ai dễ bị đột quỵ hơn?
Nhiều yếu tố có thể điều trị được nhưng lại làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các yếu tố này gồm:
Yếu tố về lối sống:
- Thừa cân, béo phì
- Lười hoạt động thể chất
- Nghiện rượu bia
- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá
Yếu tố về sức khỏe:
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Tiểu đường
- Chứng ngưng thở khi ngủ
Một số bệnh tim mạch như rung nhĩ (một tình trạng nhịp tim bất thường), bệnh van tim, nhồi máu cơ tim (đau tim), suy tim và phì đại tim.
Sử dụng hormone, chẳng hạn như sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone chứa estrogen.
Ngoài các yếu tố trên, theo Mayo Clinic, một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ mà chúng ta không thể kiểm soát được bao gồm tuổi tác (người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ tuổi), chủng tộc (người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha nguy cơ đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác); giới tính (nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới).
Làm gì khi gặp các dấu hiệu của đột quỵ?
Điều quan trọng nhất khi gặp các dấu hiệu của đột quỵ đó là được chăm sóc y tế kịp thời. Hãy gọi ngay cấp cứu nếu thấy có một trong các triệu chứng của bệnh. Những người đã được chẩn đoán bị TIA hoặc đã từng đột quỵ trước đó, hoặc những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao, mỡ máu cao, người sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá, người béo phì là những đối tượng nguy cơ cao của đột quỵ.