Tài chính

Ghìm bớt những phiên chứng khoán chao đảo do tâm lý

Ghìm bớt những phiên chứng khoán chao đảo do tâm lý- Ảnh 1.

Phiên giao dịch chứng khoán lúc 9h15 sáng 6-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó một ngày, áp lực bán tháo mạnh khiến VN-Index bị "thổi bay" gần 49 điểm trong bối cảnh các thị trường tài chính trong khu vực "nhuộm đỏ".

Sau phiên giảm kỷ lục, các thị trường chứng khoán châu Á vừa lấy lại "sắc xanh", chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam phục hồi khi tăng 22 điểm.

Ẩn số từ quốc tế

Dù thanh khoản còn thấp, dòng tiền tỏ ra thận trọng sau phiên rơi mạnh, nhưng điểm sáng trong diễn biến phiên giao dịch chứng khoán Việt Nam ngày 6-8 là lực cầu bắt đáy chiếm ưu thế, các cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng.

"Khả năng hồi phục có thể tiếp diễn, tuy nhiên có mạnh hơn và bền vững hay không vẫn chờ một số tín hiệu khác để xác nhận", bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nói với Tuổi Trẻ.

Giới đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, vẫn đang theo dõi diễn biến căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông, số liệu nền kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ ở Nhật Bản.

Theo chuyên gia KBSV, những thông tin vĩ mô quốc tế chưa thể thay đổi "một sớm một chiều". Nhưng sự phục hồi phiên này phần nào "cởi trói" tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn sau đợt bán tháo ồ ạt.

Nhiều chỉ số công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, nhưng với xu hướng ảm đạm của cổ phiếu từ giữa quý 2 đến nay, cùng nhiều phiên điều chỉnh của VN-Index, những yếu tố từ toàn cầu đang trở thành mối lưu tâm rất lớn.

Nói về thị trường tài chính toàn cầu, chỉ vài tuần trước đó, thị trường chứng khoán nhiều nước, từ Nhật Bản cho tới châu Âu và Mỹ, đua nhau lập kỷ lục mới.

Nhưng từ phiên 1-8, chứng khoán Mỹ giảm mạnh cùng sự lao dốc của chứng khoán châu Âu, Nhật Bản... đã dấy lên nhiều lo ngại với giới đầu tư toàn cầu.

Một trong những yếu tố kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ ở khu vực châu Á là quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm qua của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Không chỉ ảnh hưởng gián tiếp mà còn nhiều lo ngại việc ảnh hưởng trực tiếp từ dòng vốn đầu tư của Nhật khi nước này tăng lãi suất.

Ghìm bớt những phiên chứng khoán chao đảo do tâm lý- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: QUANG ĐỊNH

Việt Nam chịu tác động nhưng không lớn

Bình luận vấn đề này, ông Barry Weisblatt David, giám đốc khối phân tích Chứng khoán VNDirect, cho rằng quyết định của BOJ tác động đến Việt Nam nhưng không lớn.

Theo ông, đồng yen đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 161,99 so với đồng USD, khiến BOJ phải nâng lãi suất cơ bản lên khoảng 0,25% để hỗ trợ đồng nội tệ.

Khi đồng yen mạnh hơn sẽ gây áp lực lên chứng khoán Nhật Bản vì thị trường chứng khoán Nhật Bản bị chi phối bởi các doanh nghiệp có thiên hướng xuất khẩu - không giống như thị trường Việt Nam, vốn bị chi phối bởi các ngành nội địa như ngân hàng, bất động sản và các công ty tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN
  • Đồng yen mất giá, Nhật Bản lao đao

    Đồng yen mất giá, Nhật Bản lao đao

  • Kinh tế Mỹ phục hồi, tin tốt cho kinh tế toàn cầu

    Kinh tế Mỹ phục hồi, tin tốt cho kinh tế toàn cầu

"Thêm nữa Nhật Bản chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam. Hầu hết khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là nguồn vốn hỗ trợ phát triển (giữa các chính phủ) hay nguồn vốn FDI dài hạn.

Dòng vốn này vốn không nhạy cảm với những biến động tiền tệ ở mức vừa phải giống như cách mà các dòng vốn ETF sẽ phản ứng", ông Barry Weisblatt David nhìn nhận.

Vì vậy, ông Barry cho rằng diễn biến mới khó có thể gây ra nhiều thay đổi trong dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. "Tôi không nghĩ các nhà đầu tư toàn cầu sẽ rời khỏi Việt Nam để chuyển sang Nhật Bản chỉ để nhận thêm được 25 điểm cơ bản lãi suất đồng yen", ông nhấn mạnh.

Về nỗi lo suy thoái tại Mỹ, ông Huỳnh Hoàng Phương, cố vấn mảng quản lý gia sản của Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho rằng yếu tố này được quan tâm nhất lúc này với các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

"Bởi nếu kinh tế Mỹ suy yếu và nguy cơ suy thoái xảy ra cao thì dù Fed có hạ lãi suất nhanh các thị trường chứng khoán vẫn sẽ chịu thiệt hại lớn. Và nếu xác suất suy thoái cao xảy ra, VN-Index nhiều khả năng lệch khỏi kịch bản hướng tới vùng 1.350 điểm", ông Phương nhận định.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế bình luận khả năng tới 60% Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong vòng một tuần tới để ngăn nguy cơ suy thoái ở Mỹ. Các nhà kinh tế học cũng cho rằng thị trường "sợ" rằng Fed đã chậm trễ và nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng thay vì hạ cánh mềm.

Ghìm bớt những phiên chứng khoán chao đảo do tâm lý- Ảnh 7.

Chứng khoán châu Á hầu như đều đã tăng điểm trong ngày 15-6, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất. Ảnh chụp ngày 15-6 tại Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: AP

Để không "sáng tăng cao, chiều giảm mạnh"

Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia phân tích KBSV, cho biết từ cuối năm ngoái đến hết quý 1-2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có đà tăng mạnh mẽ. Bước sang quý 2, thị trường phân hóa và gặp áp lực điều chỉnh do tỉ giá tăng mạnh.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho VN-Index đi ngược pha với thị trường toàn cầu nói chung. Đến thời điểm hiện tại đã có thêm nhiều thông tin kém tích cực trên thị trường quốc tế, điều này đã khiến áp lực điều chỉnh được kích hoạt diện rộng.

"Tuy nhiên, trạng thái điều chỉnh vừa qua không làm thay đổi xu hướng của thị trường trong trung và dài hạn. Với điều kiện vĩ mô của Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn được dự báo tăng trưởng và phát triển", bà Thúy kỳ vọng.

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng cho rằng nền kinh tế phục hồi tích cực, những điều chỉnh gần đây trên thị trường chứng khoán chủ yếu vẫn "nặng" yếu tố "tâm lý".

Dữ liệu từ phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset cũng chỉ ra, trong khi khối ngoại miệt mài bán ròng, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 9.230 tỉ đồng trong tháng 7, kéo dài chuỗi mua ròng sang sáu tháng liên tiếp và nâng lượng mua ròng lũy kế từ đầu năm lên 65.200 tỉ đồng.

Theo ông Phương, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng lớn, trong khi xu hướng giao dịch ngắn hạn lớn. "Họ càng thận trọng hơn khi thấy nhiều phiên hàng về là lỗ", ông Phương nói.

  • Chứng khoán châu Á phục hồi sau ngày bán tháo toàn cầu

  • Chứng khoán Việt mất gần 49 điểm, vốn hóa bốc hơi gần 8 tỉ USD

Trước khi giảm mạnh do ảnh hưởng làn sóng bán tháo toàn cầu, thị trường Việt Nam xuất hiện những phiên "sáng tăng cao, chiều giảm mạnh" không lý do hoặc lý do không phản ánh đúng bản chất thị trường và sức khỏe cổ phiếu, càng khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng.

"Nỗ lực nâng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức gần đây của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời kinh nghiệm nhà đầu tư dần được tích lũy sẽ ghìm lại bớt những phiên chao đảo do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý. Cần có những đánh giá thực chất khi nhìn vào nội tại doanh nghiệp, thay vì mua bán và bán ra theo "hô hào" hoặc tin đồn...", ông Phương nói.

Còn ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia FIDT, cùng nhận định về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam có một số cơ sở quan trọng để tăng trưởng.

Trong đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang diễn biến tích cực với mức tăng trưởng GDP đạt 6,42% trong sáu tháng đầu năm, cao hơn hầu hết các dự báo phân tích trước đó. Tiếp đến, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết phúc hồi.

Dữ liệu từ Fiingroup cũng cho thấy lợi nhuận toàn khối doanh nghiệp niêm yết tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 13% so với quý đầu năm.

Điểm tích cực của thị trường chứng khoán từ đây đến cuối năm còn ở sự hấp dẫn khi so sánh tương đối giữa các kênh đầu tư. Theo ông Phương, dù lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhưng đến cuối năm nay lãi suất vẫn sẽ ở mức tương đối thấp so với giai đoạn 10 năm vừa qua.

"Thị trường vàng hiện được quản lý chặt chẽ và nền giá cao nên việc phân bổ tài sản lớn sẽ được cân nhắc. Do đó với hai triển vọng cơ bản phía trên và so sánh tương đối với các kênh tài sản khác, chứng khoán vẫn là kênh tài sản tiềm năng từ đây đến cuối năm", ông Phương đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Việt Nam nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán

Thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam tại hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến đầu tư của bạn" được tổ chức ở Singapore vào ngày 6-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thị trường phát triển ngày càng hiệu quả, chất lượng, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Tính tới tháng 7, thị trường có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỉ USD, tương đương 65% GDP năm 2023.

Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 8 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương hơn 10% dân số trưởng thành. Trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường rất năng động với mức thanh khoản lên tới khoảng 1 tỉ USD/ngày.

"Việt Nam quyết tâm tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia. Hiện nay chúng tôi cũng đang nỗ lực hết mình để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán và kỳ vọng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới", ông cam kết.

Ông cũng cho biết việc phát triển thị trường vốn xanh là một trong những giải pháp quan trọng để huy động được nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh và bền vững. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

"Thứ ba quay đầu" liệu có ổn định?

Ghìm bớt những phiên chứng khoán chao đảo do tâm lý- Ảnh 8.

Các chỉ số chứng khoán đồng loạt “báo đỏ” ở Mỹ ngày 5-8 - Ảnh: BLOOMBERG

Theo báo New York Times, trái với sự giảm sâu của ngày 5-8, thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 6-8 ghi nhận sự khởi sắc nhẹ.

Tại Nhật Bản ghi nhận chỉ số Nikkei 225 tăng 10,2%. Chỉ một ngày trước đó, chỉ số này đã giảm đến 12,4% và là thị trường bị ảnh hưởng nhất bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu hôm 5-8.

Tại Hàn Quốc, thị trường chỉ phục hồi nhẹ 3% sau khi đã có lúc giảm đến hơn 10% trong phiên trước đó. Điều này diễn ra tương tự với các thị trường chứng khoán châu Âu. Đây là nơi ít bị ảnh hưởng bởi cú sốc thị trường "đỏ" vừa qua và có mức phục hồi cũng khiêm tốn hơn.

Với tâm điểm Phố Wall, dù chưa mở phiên (tính đến 18h giờ Việt Nam), các dự báo đều cho thấy thị trường Mỹ sẽ tăng nhiều trong ngày 6-8. Trước đó, chỉ số S&P 500 đã giảm 3% vào hôm 5-8, mức tăng trong ngày mạnh nhất từ tháng 9-2022.

Hãng tin Bloomberg lý giải việc các chỉ số chứng khoán tăng trở lại trong ngày 6-8 thực chất là điều rất bình thường và là ví dụ căn bản của khái niệm "Thứ ba quay đầu".

Đây là hiện tượng thường thấy khi các chỉ số chứng khoán giảm sốc vào ngày thứ hai đầu tuần, song lại phục hồi ngày thứ ba ngay sau đó.

Trong quá khứ, hiện tượng này đã xảy ra không ít lần. Trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán được mệnh danh "Thứ hai đen tối" vào ngày 19-10-1987, hầu hết các sàn chứng khoán lớn đều phục hồi ngay ngày 20-10.

Theo báo Wall Street Journal, bối cảnh và diễn biến của "cú sập thị trường" ngày 5-8 cũng có nhiều điểm tương đồng với sự kiện trên.

Ông Brent Donnelly, chủ tịch công ty phân tích giao dịch chứng khoán Spectra Markets, giải thích tâm lý nhà đầu tư khi hiện tượng này xảy ra là lo lắng vào thứ năm tuần trước, bắt đầu phòng ngừa rủi ro bằng cách bán bớt cổ phiếu hoặc các công cụ tài chính khác vào thứ sáu để rồi bán tháo vào phiên thứ hai.

Bước sang ngày thứ ba, tâm lý bán tháo nguội bớt, các nhà đầu tư săn rẻ bắt đầu mua vào giúp thị trường dần phục hồi.

Trường hợp bán tháo ngày 5-8 áp dụng đúng lý thuyết này. Trong các phiên ngày 1, 2 và 5-8, chỉ số S&P 500 đã giảm tổng cộng 582 lần và tăng trung bình 0,2% trong phiên ngày 6.

Ông Donnelly đánh giá: "Chúng ta đang chuẩn bị cho một trường hợp "Thứ ba quay đầu" căn bản. Mọi thứ đã bị bán lố quá đà, và ngày thứ ba là ngày tăng giá điển hình trong tuần. Vì vậy tôi đang tìm kiếm các giao dịch "fade" (giao dịch đi ngược xu hướng thị trường hòng kiếm lời) chiến thuật".

Tuy nhiên, không phải lúc nào "Thứ ba quay đầu" cũng đồng nghĩa với việc thị trường đã ngừng lao dốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm