Doanh nghiệp

Mỗi tỉnh thành có 1 Becamex như kỳ vọng của Thủ tướng: Gọi tên các ông trùm ở Đồng Nai, Khánh Hoà

BCM&SNZ:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

" Mỗi bộ, ngành có một Viettel. Mỗi tỉnh, thành có một Becamex " – Đây là kỳ vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước vừa qua. Theo Thủ tướng, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Becamex mà Thủ tướng Chính phủ nhắc tới tại Hội nghị có tên đầy đủ là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) đang niêm yết trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán BCM, trụ sở tại tỉnh Bình Dương.

“Tấm gương" Becamex IDC: Ông trùm BĐS khu công nghiệp miền nam

Becamex IDC tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex), được thành lập năm 1976 với chức năng chủ yếu là thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản, phân phối hàng tiêu dùng.

Chuyển sang mô hình Tổng công ty vào năm 2010 và cổ phần hóa năm 2018, niêm yết trên HOSE năm 2020, sau gần 50 năm phát triển, đến nay Becamex IDC đã trở thành Nhà phát triển Bất động sản Công nghiệp và Đô thị hàng đầu Việt Nam với 23 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, cảng, y tế và giáo dục.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 1.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 2.

Phát triển khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Becamex IDC với mạng lưới khu công nghiệp và đô thị tích hợp trên khắp Bình Dương và cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam với những cái tên nổi tiếng như KDC Mỹ Phước, KDC Thới Hòa, KDC Bàu Bàng (Thị xã Bến Cát), KDC VietSing (Tp. Thuận An) tại TP. Thủ Dầu Một….

Đi cùng phát triển KCN, Becamex IDC đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư có quy hoạch đồng bộ liền kề các khu công nghiệp, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,… nhằm góp phần đổi mới diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở, nơi làm việc và cung cấp các tiện ích.

Bên cạnh đó, Becamex IDC đã đầu tư và vận hành Trường Đại học Quốc tế miền Đông (EIU) từ 3/10/2011 nhằm cung cấp lực lượng lao động sẵn sàng trong tương lai cho Bình Dương và khu vực, vận hành Bệnh viện Mỹ Phước và Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex với quy mô mỗi bệnh viện hơn 1.000 giường.

Đây cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các dịch vụ 1 cửa, hải quan tại chỗ, an ninh… tại tỉnh Bình Dương.

Tính đến cuối quý 1/2024, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng, tổng tài sản là 54.069 tỷ đồng. Năm 2023, kết quả hợp nhất đạt 7.883 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng lần lượt 20% và 32% so với năm 2022.

Một động lực cho cổ phiếu BCM trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước (do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương sở hữu) tại Becamex IDC từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Trong vòng 3 tháng, cổ phiếu đã tăng hơn 22%.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 3.

Với kỳ vọng “Mỗi tỉnh thành có 1 Becamex” của Thủ tướng Chính phủ, một số cái tên tại các tỉnh, thành với mô hình và vị thế có thể ví với Becamex IDC là Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) tại Đồng Nai, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) tại Tp.HCM hay Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) tại Khánh Hoà.

Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, mã chứng khoán SNZ)

Sonadezi có vốn điều lệ là 3.765 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đồng Nai sở hữu 99,54%.

Tiền thân của Sonadezi là Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa với ngành nghề kinh doanh ban đầu là phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, thành lập năm 1990.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 4.

Trong giai đoạn đầu thành lập, Sonadezi tạo dấu ấn với Dự án đầu tư xây dựng KCN Biên Hòa 2 (365 ha), là một trong những khu công nghiệp hình thành sớm nhất trong thời kỳ mở cửa thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai. Sau đó, KCN Gò Dầu (182,4 ha), là khu công nghiệp duy nhất có hệ thống cảng nội khu hoàn chỉnh với công suất đến 30.000 DWT.

Ngoài ra, Sonadezi tham gia dự án liên doanh với Tập đoàn Bangpakong Thái Lan để phát triển KCN Amata Việt Nam giai đoạn 1 (130 ha).

Năm 2000, Sonadezi bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc với các dự án như Dự án đầu tư xây dựng KCN – Đô thị Long Thành (488 ha), là mô hình mới của khu công nghiệp kết hợp với các khu dân cư và ký túc xá công nhân; Dự án đầu tư xây dựng KCN Xuân Lộc (108 ha) là khu công nghiệp miền núi thuộc địa bàn xa xôi và khó khăn; Dự án Khu dân cư Trảng Bom (10 ha), khu dân cư Tam An 1 và Tam An 2 (65 ha), khu dân cư Phước Lai (01 ha).

Năm 2010, khi chuyển thành Tổng công ty, Sonadezi đã gây dấu ấn với các KCN mới như KCN – đô thị Châu Đức (2.287 ha tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), KCN Giang Điền (529,2 ha)…

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 5.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 6.

Hiện nay, Tổng công ty Sonadezi có 16 công ty thành viên hoạt động trong 04 nhóm ngành nghề kinh doanh: Bất động sản công nghiệp và dân dụng; Xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng; Dịch vụ và sản phẩm hỗ trợ; Cung cấp nước và các sản phẩm ngành nước.

Sonadezi đang trực tiếp đầu tư hoặc liên doanh, liên kết khai thác 09 khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai và 01 KCN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với tổng diện tích khoảng 4.258 ha. Đồng thời, phát triển các dự án bất động sản dân dụng với các dự án tiêu biểu: Khu dân cư An Bình, Khu dân cư phường Thống Nhất, Khu dân cư phường Bửu Long, Chung cư Nguyễn Văn Trỗi,….

Tổng công ty này đã góp vốn, liên doanh, liên kết trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lớn như: dự án BOT đường 768, Dự án xây dựng Cầu Hóa An, Khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng ở các mỏ đá Thiện Tân, Xuân Hòa, Tân Cang 5,...

Trong chuỗi giá trị dịch vụ, Sonadezi cung cấp dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn, đào tạo, văn phòng cho thuê, các dịch vụ cho thuê bến bãi thủy và kho bãi, bốc xếp hàng hóa…

Bên cạnh đó, với lợi thế có Công ty thành viên là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch cho các khu dân cư tập trung và các khu công nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các dự án nhà máy cung cấp nước sạch đã được đầu tư trong thời gian qua với tổng công suất là 349.000 m3/ngày đêm.

Sản lượng nước cấp năm 2014 đạt trên 78 triệu m3 cung cấp nước sạch và các giải pháp về nước cho các khu dân cư tập trung và các khu công nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tính đến ngày 18/6, vốn hóa thị trường của Sonadezi là 13.553 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu hợp nhất đạt 5.766 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.398 tỷ đồng.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 7.

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC): Gần 12.000 tỷ doanh thu từ xổ số

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) có thể gọi là “SCIC của tp.HCM” với mô hình hoạt động là huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực, ngành nghề mà Thành phố cần ưu tiên đầu tư.

Các lĩnh vực này gồm đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các ngành kinh tế quan trọng của Thành phố; các dự án công ích, hoặc các dự án phục vụ mục tiêu chính trị theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố; Góp vốn liên doanh, liên kết; góp vốn cổ phần với doanh nghiệp khác; Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật…

Tiền thân của HFIC là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị thành phố Hồ Chí Minh (HIFU) được thành lập năm 1996 và chính thức hoạt động dưới mô hình công ty từ ngày 13/04/2010.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, tính đến cuối năm, tổng tài sản của HFIC là 16.407 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm gần 11.900 tỷ.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ lên 13.850 tỷ đồng trong đó chủ yếu là doanh thu từ kinh doanh xổ số truyền thống (11.880 tỷ đồng). Thu nhập thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của HFIC tăng nhẹ so với năm 2022, đạt 2.522 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ hoạt động đầu tư góp vốn vào đơn vị khác tăng mạnh lên 276 tỷ đồng nhưng phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh từ 833 tỷ đồng còn 266 tỷ đồng.

Đồng thời, không còn khoản hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro cho vay lên đến gần 2.000 tỷ như năm trước, HFIC báo lãi trước thuế 2.529 tỷ đồng - giảm 48% so với năm 2022.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 8.

Ngoài danh mục các khoản đầu tư trị giá gần 10.000 tỷ đồng bao gồm tiền gửi, chứng khoán và các khoán cho vay, đầu tư góp vốn thì HFIC cũng ghi nhận 2 công trình bất động sản thực hiện theo hình thức góp vốn liên doanh với công ty khác, gồm Cao ốc văn phòng 91 Pasteur và Cao ốc văn phòng 25bis Nguyễn Thị Minh Khai.

Công ty đang triển khai Dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố tại 123 Trương Định với tổng mức đầu tư 323 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Khatoco: Đại gia nộp thuế lớn nhất tỉnh Khánh Hoà

Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) thành lập vào năm 1993, tiền thân là công ty chuyên doanh Thuốc lá Phú Khánh từ số vốn ban đầu 6 triệu đồng và chỉ sản xuất độc nhất một mặt hàng thuốc lá bằng phương pháp hoàn toàn thủ công. Đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, vốn chủ sở hữu đã tăng mạnh lên 2.435 tỷ đồng, Khatoco còn được biết đến là "đại gia" Khánh Hoà với tổng quy mô tài sản tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 6.157 tỷ đồng.

Một số dự án bất động sản lớn do Khatoco làm chủ đầu tư có thể kể đến Cụm công nghiệp Trảng É (152,3 ha, bao gồm 3 cụm công nghiệp), Khatoco Ninh Ích (35,5ha), Công viên du lịch Yang Bay, Khách sạn Liberty Central Nha Trang (quy mô 227 phòng nghỉ chuẩn 4 sao), iBis Styles Nha Trang (quy mô 331 phòng nghỉ)….

Với quy mô trên, Khatoco theo giới thiệu luôn là doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhà nước nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa.

Về kinh doanh, doanh thu hàng năm Khatoco luôn ở trong mức 7.000-9.000 tỷ đồng, dù có biến động đáng kể. Giai đoạn đỉnh cao 2013-2016, doanh thu mỗi năm Công ty đạt luôn trên 9.000 tỷ đồng. 3 năm gần đây, doanh thu Khatoco ghi nhận hồi phục đáng kể.

Năm 2023, doanh thu Công ty đạt 8.772 tỷ đồng – tăng hơn 10% so với năm ngoái. Giai đoạn 10 năm 2013-2023, lợi nhuận Khatoco đạt đỉnh 618 tỷ đồng vào năm 2014 và sau đó liên tục giảm. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế Công ty đạt 242 tỷ đồng – giảm 15% so với năm 2022.

"Mỗi tỉnh thành có một Becamex" như kỳ vọng của Thủ tướng: Những cái tên sáng giá tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà- Ảnh 9.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm