Chứng khoán

"Mây mù che phủ" lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành thép

Vậy thực hư kết qủa kinh doanh của nhóm này thế nào? Nhà đầu tư có nên tiếp tục nắm giữ và mua vào nhóm cổ phiếu ngành này?

Phiên giao dịch ngày 5/9, dù nhóm cổ phiếu thép tiếp tục nới rộng đà tăng, trong đó, HSG, TLH và NKG đều được kéo lên mức giá trần với VGS tăng 9,2%, TVN tăng 5,9%, POM tăng 4,3%, HPG được kéo lên 0,9%..., thì ngược với diễn biến trên thị trường, nhóm cổ phiếu này vẫn bị các công ty chứng khoán nhìn nhận với quan điểm không mấy khả quan.

Báo cáo đánh gía của chuyên viên phân tích Đinh Mạnh Thắng - Công ty Chứng khoán BSC cho rằng nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh là rủi ro lớn nhất đối với ngành thép. Sản lượng tiêu thụ thép giảm mạnh kể từ tháng 3/2022, khiến tổng sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm (-7,3%) , trong đó giảm mạnh nhất ở nhóm sản phẩm thép cuộn cán nóng/cán nguội (-22,2% ) do sự sụt giảm nhu cầu của 2 nhóm sản phẩm hạ nguồn: tôn mạ (-7,9%), và ống thép (-8,4% ).

Tuy nhiên nhóm thép xây dựng là nhóm duy nhất còn ghi nhận tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm (+6,1%) nhưng sản lượng tiêu thụ giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu (-9,0% và -2,2% ) do thị trường bất động sản trong nước chững lãi sau động thái kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này của cơ quan quản lý, và nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu giảm do chính sách Zero - Covid của Trung Quốc và chiến tranh Nga – Ukraine.

Báo cáo của VCBS có góc nhìn đánh giá kết quả kinh doanh của bộ ba ngành thép: HPG, HSG, NKG sẽ tiếp tục kém khả quan trong nửa cuối năm 2022 do sản lượng tiêu thụ sụt giảm, giá bán lao dốc và đặc biệt lượng hàng tồn kho lớn sẽ tạo áp lực tới biên lợi nhuận trong những quý tới.

Mây mù che phủ lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành thép - Ảnh 1.

VCBS dự báo giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu thép chưa hồi phục với thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm; các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu; giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối 2022 hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Trong nước, giá thép thanh sau khi đạt đỉnh ở mức 19.000 đồng/kg vào quý 1/2022 đã liên tiếp lao dốc và chạm mốc 15.700 đồng/1 kg vào tháng 8/2022. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới. Điều này thể hiện nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý 2/2022 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho. Báo cáo BSC kỳ vọng tình hình tiêu thụ của ngành thép sẽ khả quan hơn trong quý 4/2022 nhờ hoạt động xây dựng thường đẩy mạnh trong quý cuối năm và chi phí xây dựng giảm do giá thép đã giảm mạnh.

Định giá nhiều doanh nghiệp đã hạ xuống mức thấp so với quá khứ. Hầu hết cổ phiếu ngành thép đã chiết khấu sâu với mức giảm khoảng 50% từ mức đỉnh. Mặc dù triển vọng kinh doanh của ngành nhìn chung khó khăn trong năm 2022, BSC cho rằng mức định giá hiện tại là hấp dẫn đối với một số cổ phiếu đầu ngành, và có triển vọng tăng trưởng công suất trong tương lai, BSC cũng thay đổi quan điểm từ khả quan sang trung lập đối với ngành Thép..

Điều chỉnh thuế suất xuất nhập khẩu, cổ phiếu thép chịu tác động ra sao?

Với HPG, VCBS cho rằng giá thép gặp áp lực điều chỉnh nửa cuối năm về vùng giá thấp. Mặc dù sau nhiều lần điều chỉnh, giá thép thanh vẫn neo cao ở mức 16.000 VND/tấn so với mức 12.500 VND/tấn mà VCBS đang ước tính. Triển vọng về lợi nhuận của HPG sẽ kém tích cực hơn nếu giá thép tiếp tục giảm về mặt bằng giá này. HPG thiếu động lực tăng trưởng trong ngắn hạn do dự án Dung Quất 2 của tập đoàn này đang trong giai đoạn đầu tư lớn để đi vào vận hành giúp tăng công suất thêm 5,6 triệu tấn (+64% công suất) sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn 1 đến 2 năm tới, HPG đã chạy gần như hết công suất và ít dư địa tăng trưởng doanh thu.

Với HSG, sản lượng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa của HSG cho thấy mức sụt giảm nặng nề. Trong nửa cuối 2022, mức sản lượng sẽ tiếp tục cho thấy con số tiêu cực do sản lượng sụt giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo VCBS, biên lợi nhuận của HSG đang chịu áp lực giảm. Tỷ lệ hàng tồn kho/tài sản ngắn hạn của công ty trong quý 2 lên tới 79%, mức cao nhất trong lịch sử và cao hơn mức 65% của HSG. Điều này cho thấy rủi ro lớn về biên lợi nhuận cho HSG khi giá thép đang giảm mạnh, doanh nghiệp sẽ phải trích lập giảm giá tồn kho lớn với lượng hàng nhập giá rất cao của quý 2/2022...

Mây mù che phủ lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành thép - Ảnh 2.

Theo VCBS, biên lợi nhuận của NKG chịu áp lực giảm lớn do phải trích lập hàng tồn kho. Hiện nay tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của NKG ở mức cao nhất lịch sử, trong đó NKG đã nhập lượng lớn tồn kho giá cao trong quý 1 và quý 2 năm 2022. VCBS nhận định NKG sẽ phải hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn và làm lợi nhuận sụt giảm mạnh. Ngoài ra, NKG ký bán hàng trước cho từ 4-5 tháng cùng với giá bán hàng HDG tại thị trường châu Âu của NKG đã giảm xuống mức 1.000 USD/tấn từ mức 1.500 USD/tấn. VCBS dự báo lợi nhuận nửa cuối năm của NKG tiếp tục kém tích cực. Sang năm 2023, dự báo mức biên lợi nhuận sẽ tốt hơn khi công ty đã giảm bớt lượng hàng tồn kho giá cao. Tuy nhiên sản lượng xuất khẩu sẽ có sự sụt giảm làm doanh thu tăng trưởng âm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm