Thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày với diễn biến giằng co trên nền thanh khoản thấp. VN-Index để mất điểm khi chốt phiên một phần là do dòng tiền yếu, bên cạnh đó là việc khối ngoại bán ròng, ngoài ra cũng có thể do tác động từ thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.
Sau phiên đột biến về khối lượng thứ Hai tuần trước, 3 phiên liên tục sau đó VN-Index giao dịch với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và gần như chỉ đi ngang, kèm theo thanh khoản giảm mạnh về dưới mức bình quân 20 ngày. Kết thúc phiên đầu tuần, chỉ số chính sàn HOSE chỉ giảm nhẹ 3,1 điểm, tương đương với 0,25% và đóng cửa tại 1.277 điểm.
Mặc dù thanh khoản ở mức thấp nhưng dòng tiền trong những phiên gần đây đã tìm đến những cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá hàng hóa cơ bản. Sau nhóm hóa chất, thực phẩm, dòng tiền tiếp tục luân chuyển đến họ nhà thép trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9.
Theo thống kê của FiinTrade, chỉ số giá ngành thép tăng 4,13%, với giá trị giao dịch tăng 72% so với trung bình 5 phiên trước.
Cụ thể, cổ phiếu VGS của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE dẫn đầu chiều tăng với tỷ lệ 9,2%. Theo sau, HSG, NKG tăng trần kèm theo khối lượng khớp lệnh kỷ lục lần lượt là 25,5 triệu và 27,8 triệu cổ phiếu. Theo quan sát, mức thanh khoản này chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước do khối ngoại mua bán với giá trị không đáng kể.
Cùng với đó, TLH và KVC cũng ghi nhận tăng trần dù thanh khoản ở mức thấp. Còn lại SMC, TNA, TVN, POM, HMC, HPG, PAS ghi nhận mức tăng 2,2 – 5,8%. Trong nhóm thép, duy nhất HPG là bluechip. Mặc dù chỉ ghi nhận mức tăng 3,9% nhưng với trọng số lớn trong VN-Index, mã này đã trở thành lực đỡ lớn nhất thị trường trong phiên đầu tháng 9.
Giai đoạn tháng 8, ngành thép có thanh khoản tăng ấn tượng nhất trong số các nhóm ngành do đây là một trong những ngành có mức giảm sâu nhất tính từ đầu năm đến nay, do đó thu hút dòng tiền bắt đáy từ các nhà đầu tư. Cổ phiếu thép được hỗ trợ bởi thông tin giá thép trong nước tăng, trong khi nhà sản xuất thép lớn thứ 2 Ấn độ phải đóng cửa 1 lò luyện thép ở Đức vì giá năng lượng tăng cao.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm thép đảo chiều tăng mạnh trở lại kéo chỉ số tăng. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn mang giá trị âm cho thấy lượng tiền mới vào không thể bù đắp được cho lượng đã rút ra trước đó.
Chỉ số dòng tiền của ngành trong mối tương quan với thị trường tăng mạnh từ đáy đi lên, điều này cho thấy giá tăng do nguồn cung cạn dần và dòng tiền quay lại dễ dàng đẩy giá lên.
Cùng với nhóm thép, một số cổ phiếu dòng phân bón, hóa chất cũng ghi nhận phục hồi sau 2 phiên điều chỉnh giảm. Điển hình như DDV tăng 3,5% lên 20.600 đồng/cp, DCM tăng 2,3%, BFC (+1,9%), DGC (+1,8%), DPM (+0,9%)... Trong khi đó áp lực bán vẫn làm khó tiến trình hồi phục của LAS, CSV, SFG, VAF,... khiến các mã này đóng cửa trong sắc đỏ.
Tính chung cả ngành, tỷ trọng giá trị giao dịch so với toàn thị trường tăng lên 8,13%, chỉ số giá ngành tăng 0,32%. Nhóm hóa chất tăng điểm trong bối cảnh giá phân bón và phốt pho tăng trở lại.
Dòng tiền tiền tích lũy vào nhóm hóa chất giảm trong phiên ngày hôm qua, tạo sự phân kỳ với chỉ số giá. Điều này cho thấy nhóm hóa chất tăng điểm do cung giảm. Trong khi chỉ số dòng tiền của ngành trong mối tương quan với thị trường tăng nhẹ và ở vùng cao của 3 tháng cho thấy nhóm này vẫn có được sự chú ý của dòng tiền tốt hơn so với thị trường chung.
Theo đánh giá của Chứng khoán MB (MBS), với nền thanh khoản thấp, xu hướng đi ngang của thị trường cũng đã sang tuần thứ 4 liên tiếp thì những nhóm cổ phiếu có câu chuyện sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đầu cơ, lúc này nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đang có lợi thế hơn cả.
Về triển vọng kinh doanh, nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo ngành phân bón & hóa chất nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm 2022.
Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên gần đây ở châu Âu và việc áp hạn ngạch xuất khẩu phốt phát gần đây của Trung Quốc (bắt đầu vào tháng 7 năm nay để hạn chế xuất khẩu phân bón) đang đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên, theo Argus, chi phí nguyên liệu cho châu Âu và các nhà máy phân bón (phân đạm, phụ thuộc vào khí LNG) đã đẩy lên mức cao trong vài tuần gần đây. Vì vậy, một số nhà máy ở châu Âu đang cân nhắc ngừng hoạt động, do chi phí đầu vào tăng quá nhanh.
Ngoài ra, theo Argus, thị trường sắp tới sẽ tiếp tục chứng kiến một đợt tăng giá phân bón nữa, do các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường hiện đang không nhập khẩu đủ để bù cho lượng thiếu hụt.
Với ngành thép, nhóm phân tích của Mirae Asset đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm của ngành thép từ tích cực sang trung tính trên các luận điểm: Đầu tiên, áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, làm ảnh hưởng từ 3 - 6% biên lợi nhuận gộp.
Bên cạnh đó, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại khiến cho ngành thép chững lại trong năm 2022. Hơn nữa, dự phóng sản lượng thép toàn ngành trong năm nay sẽ giảm 10%. Cuối cùng, triển vọng xuất khẩu thép sẽ khó lặp lại được so với mức xuất khẩu cao của năm 2021 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và những khu vực Châu Âu hay Mỹ đang phải chịu áp lực lạm phát làm giảm nhu cầu hàng không thiết yếu.