Số liệu được công bố trong Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024,vào cuối tháng 4. Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng (VS).
Tỷ số giới tính khi sinh, vốn phản ánh sự cân bằng tự nhiên giữa trẻ trai và trẻ gái khi ra đời, theo chuẩn mực sinh học ở mức 104–106 bé trai/100 bé gái. Khi tỷ số này vượt quá 106, cho thấy có sự khác biệt với mức sinh học bình thường và phản ánh những can thiệp có chủ ý trên khía cạnh về giới.
"Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu", Cục Thống kê ghi nhận.
Trên thực tế, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã "cắm rễ" và được phát hiện qua các cuộc điều tra biến động dân số hằng năm. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp để kiểm soát nhưng tình trạng chưa được khắc phục. Từ năm 2021 đến 2024, tỷ số này lần lượt là 109,5; 109,7 và 110,7 bé trai trên 100 bé gái, liên tục vượt xa mức tự nhiên.
"Rõ ràng, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm thiểu tình trạng can thiệp để lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có xu hướng nghiêm trọng hơn trong hai năm gần đây", Cục Thống kê nhìn nhận.
Báo cáo cũng chỉ ra, mất cân bằng chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng với 10/11 tỉnh có tỷ lệ trên 110, nổi bật nhất là Bắc Ninh, tiếp theo là Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1) và Hưng Yên (116,7). Một số tỉnh miền Trung du, miền núi phía Bắc cũng ghi nhận tỷ lệ cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5), Phú Thọ (113,6). Trong khi đó, các địa phương phía Nam có tỷ số giới tính khi sinh tiệm cận mức cân bằng tự nhiên hoặc chỉ chênh lệch nhẹ, dao động từ 105 đến 108.