Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, Masan Group là công ty đứng đầu trong danh sách này với doanh thu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 18 triệu USD, quy mô gần 36.000 nhân viên.
Sức ảnh hưởng của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong top 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á
Tạp chí Fortune đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á khi khu vực này ngày càng có nhiều thành tựu đáng chú ý trong nền kinh tế toàn cầu nhờ vào sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và tốc độ phát triển kinh tế cao.
"Chúng tôi rất vui mừng giới thiệu bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 tới độc giả quốc tế khi năm 2024 kỷ niệm 70 năm danh sách Fortune 500 xếp hạng các công ty lớn nhất tính theo doanh thu ra đời. Với danh sách 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á lần đầu tiên được Fortune công bố, chúng tôi muốn hướng sự chú ý đến câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và các công ty lớn nhất đang thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển rất đa dạng của khu vực này" Khoon-Fong Ang, Giám đốc Vận hành của Fortune tại khu vực Châu Á cho biết.
Danh sách 500 công ty đến từ 7 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia. 10 công ty lớn nhất trong danh sách ghi nhận tổng doanh thu 650 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 doanh thu năm tài chính 2023 của 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á. Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2023 của 500 công ty này là 1,8 nghìn tỷ USD. Ngưỡng doanh thu tối thiểu để được đưa vào danh sách Fortune Southeast Asia 500 là 460,8 triệu USD. "Các công ty khai thác, sản xuất và vận chuyển hàng hóa là những doanh nghiệp đang chiếm lĩnh khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh," Fortune cho biết.
Việt Nam có 70 công ty góp mặt trong danh sách Fortune Southeast Asia 500. Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, Masan Group là công ty đứng đầu trong danh sách này với doanh thu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 18 triệu USD, quy mô gần 36.000 nhân viên. Điều này khẳng định vị thế hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ của Masan trong bối cảnh vĩ mô đầy thách thức trong năm vừa qua.
Là tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng (gia vị, mì ăn liền, đồ uống, bột giặt…), chăn nuôi chế biến thịt, viễn thông, đến khai thác khoáng sản,... Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng, bán lẻ hiện là trọng tâm đầu tư và mang về doanh thu, lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn. Chính vì vậy, thị trường tiêu dùng Việt Nam, cũng như các yếu tố tác động đến thị trường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và giá cổ phiếu Masan.
Năm 2024, cổ phiếu Masan nhận được nhiều tổ chức tài chính trong nước và quốc tế phân tích chuyên sâu và đánh giá tích cực.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, Tập đoàn tài chính J.P Morgan đã lựa chọn cổ phiếu Masan (MSN) làm ưu tiên đầu tư hàng đầu khi chọn thị trường Việt Nam. Đồng thời, đưa ra mức định giá 102.000 VND/Cổ phiếu. HSBC khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 98.000 đồng/cp, hay VCI dự phóng giá mục tiêu của MSN ở mức 102.800 đồng/cp.
Hiện cổ phiếu Masan được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), thuộc nhóm cổ phiếu VN30. Đây là rổ cổ phiếu gồm các bluechips, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, là những cổ phiếu sẽ hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp khi dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. Bởi lẽ các quỹ đầu tư quốc tế thường lựa chọn các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, với nền tảng tài chính tốt, minh bạch thông tin, có tầm nhìn chiến lược rõ ràng để phát triển, mang về lợi nhuận bền vững trong tương lai. Tập đoàn Masan và cổ phiếu Masan (MSN) là một trong số đó, thu hút nguồn vốn ngoại, đứng trước cơ hội nguồn tiền dồi dào từ thị trường đầu tư quốc tế.
Cuối tháng 4/2024, Masan Group đã thu hút thành công 250 triệu USD vốn đầu tư từ Bain Capital – quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ. Trước đó, nhiều quỹ ngoại và tập đoàn quốc tế đã đầu tư vào Masan như KKR, SK Group, Abu Dhabi (ADIA), SeaTown Holdings, Alibaba…
Chiến lược ESG là con đường phát triển bền vững
Không chỉ được nhắc tới với vị thế doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Tiêu dùng - Bán lẻ, có vốn hóa tỷ USD, Masan còn là doanh nghiệp tiên phong đưa chiến lược ESG vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước khi khái niệm ESG được nhắc đến thường xuyên tại Việt Nam, Masan đã ý thức và chú trọng tới các hoạt động phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng từng đạt nhiều giải thưởng phát triển bền vững liên tục qua các năm như: Doanh nghiệp xuất sắc và Bền vững châu Á, hạng mục Sáng kiến vì cộng đồng (năm 2021); liên tiếp lọt Bảng xếp hạng Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững (năm 2022, 2023); Masan High Tech Materials (thành viên Masan Group) có 6 năm liên tiếp góp mặt trong bảng xếp hạng 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (từ năm 2018-2023).
Với những lĩnh vực kinh doanh đặc thù, có sự tác động tới môi trường như khai thác khoáng sản, trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất, các phương án bảo vệ môi trường phù hợp đều được lập ra ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Các bộ phận luật và tuân thủ; an toàn, sức khoẻ và môi trường (SHE) có chuyên trách giám sát việc tuân thủ các quy định về môi trường trên toàn quốc, cũng như theo dõi sát sao tình hình luật và quy định về môi trường. Hệ thống nhà máy và các công ty thành viên của Masan trải dài khắp cả nước đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và địa phương về môi trường, như thực hiện các biện pháp đánh giá, giám sát và bảo vệ môi trường, thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường, kiểm định máy móc thiết bị nhà xưởng, phòng cháy chữa cháy và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra và báo cáo định kỳ. Một công ty thành viên khác của tập đoàn là Masan Consumer đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại do đối tác Hà Lan thiết kế tại các nhà máy ở Bình Dương, Hải Dương và Nghệ An. Tất cả các kết quả kiểm tra chất lượng xử lý nước thải đầu ra đều đạt tiêu chuẩn loại A – tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam và đạt tiêu chuẩn ISO 14001 về quản lý môi trường.
Bên cạnh các kết quả kinh doanh tích cực, chiến lược ESG được triển khai mạnh mẽ tại Masan sẽ góp phần đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và tất cả các bên liên quan.