Phản hồi trước thông tin bài viết "Doanh nghiệp xăng dầu "bỏ nghề" còn tăng?" đăng ngày 17-6 trên Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay việc phải đưa ra quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối, chẳng hạn như chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ các thương nhân đầu mối và không được mua bán lẫn nhau, là nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Giảm mua bán lòng vòng tăng chi phí?
Theo vị này, việc thương nhân phân phối mua bán của nhau lòng vòng làm tăng thêm chi phí, chưa kể các doanh nghiệp không xác định được tổng nguồn. Đây cũng là nội dung đã được cơ quan Thanh tra Chính phủ kết luận, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nêu và Bộ Công an cũng có ý kiến trong quá trình thanh tra với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Cũng theo vị này, việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rời bỏ thị trường là do không đáp ứng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp không tham gia kinh doanh xăng dầu mà là có thể lựa chọn hình thức khác như lấy nguồn từ doanh nghiệp phân phối hoặc đầu mối khác để kinh doanh với hình thức khác (đại lý, cửa hàng bán lẻ...).
Các doanh nghiệp cho rằng với cơ cấu thị phần trên thị trường xăng dầu hiện nay, quy định chỉ cho thương nhân phân phối được lấy hàng từ các thương nhân đầu mối, không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể càng củng cố thêm vị trí thống lĩnh, độc quyền của nhóm doanh nghiệp lớn.
Theo đại diện doanh nghiệp phân phối tại TP.HCM, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn là Petrolimex và PVOil, với 80% thị phần bán buôn. Vì vậy trường hợp nếu nghị định chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng từ các thương nhân đầu mối, vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối chiếm thị phần lớn tiếp tục gia tăng thị phần, thống lĩnh thị trường và giảm sức cạnh tranh.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho hay sau thời gian qua khi thị trường biến mạnh động, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ bị thua lỗ do liên tục chịu mức chiết khấu thấp, đã dẫn tới một làn sóng thu mua, thôn tính các cửa hàng xăng dầu để mở rộng mạng lưới của các ông lớn đang chiếm thị phần lớn.
Thậm chí có những thời điểm, doanh nghiệp phải ngậm ngùi chấp nhận "thanh lý" cây xăng, bán lại các cửa hàng xăng dầu với giá rẻ.
"Chúng tôi lo ngại rằng khi doanh nghiệp phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau, khiến cho doanh thu giảm sút, bị phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối, sẽ càng bị chèn ép như thời gian qua, bài học chiết khấu 0 đồng từ các thương nhân đầu mối là minh chứng rõ nhất", vị này bày tỏ lo lắng.
Theo một thương nhân phân phối, chuyện mua bán lòng vòng làm tăng chi phí có thể có, nhưng không phải là phổ biến trên thị trường bởi khâu bán buôn cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp giành giật từng thị phần nhỏ nhờ vào chiết khấu và phát triển khách hàng.
Để tồn tại và tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu có tiềm lực mạnh, vốn lớn thậm chí còn chung tiền nhập hàng với các thương nhân đầu mối, tạo dựng được các nguồn hàng tốt. Trong thực tế, dù các thương nhân đầu mối đưa ra mức chiết khấu rất thấp, thương nhân phân phối lại có mức chiết khấu cao.
Thêm đặc quyền cho đầu mối kinh doanh xăng dầu?
"Chúng tôi bị kiểm soát giá bán lẻ đầu ra do Nhà nước quy định, nên ở khâu bán buôn phải tiết giảm tối đa nhất các chi phí, tối ưu dòng tiền để có thể có mức chiết khấu tốt cho khách hàng. Việc này mang lại lợi ích chung cho thị trường, tạo sự cạnh tranh ở khâu bán buôn chứ không phải là tạo nên các khâu trung gian lòng vòng làm giảm chi phí", một thương nhân phân phối nói.
Cũng theo thương nhân này, nếu là khâu trung gian làm tăng chi phí, doanh nghiệp không thể sống được. Việc một số doanh nghiệp mua bán lòng vòng, đội chi phí có thể do trốn thuế hoặc để gian lận. Theo dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng, hệ thống kinh doanh xăng dầu sẽ bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ, cửa hàng xăng dầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng trên thực tế có tình trạng các thương nhân phân phối mua bán lòng vòng, tạo ra một hệ thống phức tạp trên thị trường. Thậm chí có tình trạng mua bán lòng vòng sản phẩm trên giấy, chứ không có thật. Tình trạng này diễn ra ở những doanh nghiệp làm tài chính, vì mục tiêu đầu tư tài chính.
Cũng có trường hợp thương nhân phân phối là sân sau của đầu mối. Vì vậy tình trạng mua bán lòng vòng là để "làm giá" sản phẩm, hoặc có tình trạng đầu cơ tích trữ khi giá có biến động bất thường, chứ không phải là cạnh tranh lành mạnh. "Cơ quan quản lý cần đánh giá đầy đủ tình trạng mua bán lòng vòng để có biện pháp quản lý phù hợp", vị này đề nghị.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khuyến nghị Bộ Công Thương cần có rà soát và đánh giá kỹ lưỡng thực trạng mạng lưới xăng dầu đang "chằng chịt", bất ổn trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, giúp lành mạnh thị trường.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó xác lập lại các quyền và nghĩa vụ của thương nhân.
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc đang tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. "Bởi thực tế chỉ có 30 doanh nghiệp đầu mối, trong khi có gần 300 doanh nghiệp thương nhân phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ", một thương nhân phân phối nói.
Không ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu
Theo khẳng định của Bộ Công Thương, với số lượng doanh nghiệp xăng dầu rời bỏ thị trường thời gian qua, việc cung ứng xăng dầu vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu, do các đầu mối kinh doanh thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu được phân giao.
Tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu quý 2-2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn các loại, mức tiêu thụ ước tính khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7 - 1,8 triệu m3/tấn, cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Bổ sung quy định chế tài các vi phạm
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, nhiều quy định quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu được sửa đổi bổ sung do đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung chế tài áp dụng khi thương nhân không thực hiện đúng quy định về pháp luật kinh doanh xăng dầu, quy trình xử lý vi phạm của thương nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.