Công ty TNHH Manulife Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư năm 1999. Với công ty mẹ là Manulife Financial Asia Limited đến từ Hong Kong.
Giao dịch trong hệ sinh thái
Hoạt động chính của doanh nghiệp này là cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, …
Doanh nghiệp này có một công ty con là Công ty TNHH Quản lý Manulife Investment (Việt Nam) hoạt động trong lĩnh vực lập và quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
Manulife Việt Nam bị tố chiếm đoạt tiền gửi của khác hàng - Ảnh minh họa, nguồn: internet
Tìm hiểu cho thấy, kết quả kinh doanh của Manulife Việt Nam trong 03 năm trở lại đây chỉ có năm 2022 là đạt con số dương, còn các năm 2021, 2020 mức lỗ lên đến nghìn tỷ.
Cụ thể như, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Manulife Việt Nam các năm 2022, 2021, 2020 lần lượt là 26.322 tỷ đồng, 24.144 tỷ đồng, và 19.696 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm này năm 2022 là 18.580 tỷ đồng, năm 2021 là 27.793 tỷ đồng, và năm 19.667 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho các năm 2022, 2021, 2020 lần lượt chỉ là 6.924 tỷ đồng, 5.079 tỷ đồng, và 3.776 tỷ đồng.
Kết quả cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Manulife Việt Nam là dương 2.562 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế các năm 2021, 2020 của doanh nghiệp này đều rơi xuống mức âm lần lượt là 4.741 tỷ đồng, và 1.641 tỷ đồng.
Tuy Manulife Việt Nam báo lỗ trong các năm 2021, 2022, nhưng công ty mẹ là Manulife Financial Asia Limited ghi nhận thu nhập lõi (core earnings) từ hoạt động tại Việt Nam lần lượt là 233 triệu USD (khoảng 5.419,6 tỷ đồng) và 290 triệu USD (khoảng 6.745,4 tỷ đồng). Trong khi đó, năm 2022, công ty mẹ đã ghi nhận khoản thu nhập lõi tại thị trường Việt Nam lên tới 309 triệu USD (khoảng 7.187,3 tỷ đồng).
Ngoài ra, hàng năm Manulife Việt Nam cũng phát sinh các hoạt động giao dịch với nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Manulife.
Chỉ riêng với công ty mẹ, năm 2022 Manulife Việt Nam có phát sinh khoản phí dịch vụ và thanh toán hộ các chi phí là 633,952 tỷ đồng, năm 2021 là 378,985 tỷ đồng, năm 2020 là 318,418 tỷ đồng.
Năm 2022, ghi nhận Manulife Việt Nam có khoản phải trả ngắn hạn cho công ty mẹ 1.431 tỷ đồng, năm 2021 là 952 tỷ đồng, năm 2020 là 624,486 tỷ đồng.
Dòng tiền đi về đâu?
Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Manulife Việt Nam cũng ghi nhân các hoạt động tài chính, và các khoản đầu tư.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của Manulife Việt Nam năm 2022 ghi nhận 4.820 tỷ đồng, năm 2021 là 5.068 tỷ đồng, năm 2021 là 4.671 tỷ đồng.
Trong khi đó chi phí cho hoạt động này tài chính các năm 2022, 2021, 2020 lần lượt là 2.366 tỷ đồng, 806,692 tỷ đồng, và 486,918 tỷ đồng.
Ngoài ra, Manulife Việt Nam cũng có các khoản đầu tư ngắn hạn khá lớn, chỉ riêng năm 2022 khoản này lên tới 21.998 tỷ đồng. Mức này gần đạt tới doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó riêng đầu tư cổ phiếu ngắn hạn là 7.875 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp 1.505 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 213 tỷ đồng, tiền gửi ngắn hạn 11.769 tỷ đồng.
Ngược lại tổng các khoản phải thu ngắn hạn khác của Manulife năm 2022 cũng đạt 1.244 tỷ đồng. Trong đó, riêng phải thu lãi ngắn hạn từ trái phiếu đã đạt 964,974 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với các khoản đầu tư dài hạn, Manulife đầu tư vào công ty con Công ty TNHH Quản lý Manulife Investment (Việt Nam) 83 tỷ đồng. Đầu tư vào trái phiếu lên tới 60.680 tỷ đồng. Trong đó trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 50.488 tỷ đồng; Trái phiếu doanh nghiệp và Trái phiếu chính quyền địa phương cũng đạt 10.191 tỷ đồng. Các trái phiếu này có thời hạn từ 3-30 năm và được hưởng lãi suất từ 2,1% - 13,7%/năm.
Ngày 18/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 34 bộ hồ sơ từ khách hàng tố cáo, phản ánh về việc đi gửi tiền tiết kiệm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) nhưng được "hô biến" sang Công ty Manulife. Đến sáng ngày 20/4, tiếp tục có hàng trăm người dân xếp hàng dài trước văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để nộp đơn tố cáo Ngân hàng SCB liên kết với bảo hiểm Manulife, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng giải quyết.