VN-Index tiếp tục ghi nhận tuần rung lắc điều chỉnh với sự sụt giảm về thanh khoản so với trung bình 10 phiên. Tuy thị trường có ghi nhận sự phân hóa và lực cầu vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ nhưng áp lực điều chỉnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN-Index lùi sát về khu vực 1.045.
Về diễn biến cụ thể, thị trường liên tục giằng co, rung lắc ngay từ phiên đầu tuần khiến chỉ số chung dao động với biên độ 10 điểm trong vùng 1.045 – 1.055. Trong hai phiên ngày 18 – 19/4, áp lực bán liên tục xuất hiện xóa đi nỗ lực phục hồi của thị trường và khiến VN -Index đảo chiều giảm điểm về ngưỡng 1.045.
Vào những phiên cuối tuần, tâm lý thận trọng càng được thể hiện rõ ràng hơn với việc chỉ số giảm điểm khá mạnh với thanh khoản sụt giảm và tốc độ giao dịch chậm của thị trường quanh vùng điểm 1.045. Kết tuần, VN-Index giảm 9,98 điểm, tương đương với 0,95% so với tuần trước, xuống 1.042,91 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 8.727 tỷ đồng, giảm 32% so với tuần trước, giảm 15% so với trung bình 5 tuần và 23% so với trung bình 20 tuần trước.
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ tại kênh khớp lệnh. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng với giá trị khớp lệnh 345 tỷ đồng, nhà đầu tư cá nhân chỉ còn gom ròng nhẹ 54 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu xây dựng
Trong tuần 17 – 21/4, NĐT cá nhân bán ròng 104 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng nhẹ 54 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua bán của NĐT cá nhân tương đối cân bằng khi diễn ra tại 9/18 nhóm ngành. Cổ phiếu xây dựng & vật liệu được mua ròng gần 266 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (93 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (93 tỷ đồng), hóa chất (78 tỷ đồng), ngân hàng (70 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (50 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở hai nhóm tài nguyên cơ bản (299 tỷ đồng), bất động sản (238 tỷ đồng). Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các nhóm hàng cá nhân & gia dụng, du lịch & giải trí, bán lẻ, dầu khí, … với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VCG là mã duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 100 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu với giá trị 96 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện khác của nhóm tài chính ngân hàng như MSB (43 tỷ đồng), LPB (41 tỷ đồng), SSI (37 tỷ đồng).
Danh mục giải ngân còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa trung bình như BMP (68 tỷ đồng), PVT (39 tỷ đồng), CII (35 tỷ đồng) và DGC (31 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở HPG với 321 tỷ đồng. Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng 131 tỷ đồng mã VHM. Cùng chiều, các cá nhân rút ròng khỏi một số đại diện như VRE, VPB, FRT, MBB, ANV, MSN, PLX và TCB với quy mô 25– 75 tỷ đồng.
Tổ chức tiếp tục bán ròng qua kênh khớp lệnh, tâm điểm VCG, ACB
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 229 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 345 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnhổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng & vật liệu với 219 tỷ đồng. Theo sau, danh mục rút ròng được chứng kiến ở các cổ phiếu thực phẩm & đồ uống (62 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (48 tỷ đồng), ngân hàng (47 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu họ bất động sản (83 tỷ đồng), cùng với dịch vụ tài chính (16 tỷ đồng), ...
Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu VHM của Vinhomes ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 59,3 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành ngân hàng như MBB (51,1 tỷ đồng), TCB (32,4 tỷ đồng), SHB (23,9 tỷ đồng), …
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND cũng được mua ròng với giá trị 49,4 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 155,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu cũng bị bán ròng 86,3 tỷ đồng khi mã này có nhịp giảm gần 3% về 24.250 đồng/cp…