Dự phòng kết quả Kinh doanh quý I năm 2023 của các doanh nghiệp đang dần được hé lộ. Sự phân hóa sẽ ngày một rõ ràng khi dòng tiền đầu tư tìm về đúng bản chất. Doanh nghiệp nào có thể phục hồi tăng trưởng, doanh nghiệp nào vẫn tiếp tục suy giảm chính là những suy đoán đang được quan tâm trên thị trường giai đoạn này.
Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc Kinh doanh Hội sở, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng điều khác biệt của năm 2023 so với các năm trước là báo cáo kết quả kinh doanh quý I mặt bằng chung mọi người đều đoán được sẽ ở mức thấp. Cùng lúc đó tăng trưởng GDP ở mức thấp, lạm phát gia tăng, nhưng cổ phiếu trên thị trường lại vẫn tăng.
Đây là điều khác biệt trong giai đoạn hiện tại, thị trường đang có rất nhiều chính sách đưa ra, ngoài thị trường trong nước thì các chính sách này còn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố vĩ mô. Trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh, hầu hết nhà đầu tư đều đang giao dịch chủ đạo với các thông tin trên thị trường, hay nói cách khác là họ giao dịch dựa trên tâm lý.
Chia sẻ về nhóm thép, bà Dung cho rằng một số doanh nghiệp ngành này đã thông tin về kết quả kinh doanh thua lỗ, điều này đã phản ánh thực tế của ngành thép tại thời điểm hiện tại. Lý do bởi doanh nghiệp chưa đáp ứng được với chi phí đầu vào tăng, bên cạnh đó nhu cầu từ thị trường bất động sản và nhu cầu xuất khẩu chưa kịp phục hồi.
Thêm nữa hầu như những điều xấu nhất của ngành thép đã được phản ánh vào năm ngoái, nên kỳ vọng doanh nghiệp tốt ngay là điều không thể. Quá trình này cần phải đi từ mức “tệ nhất” lên mức “bớt tệ” và sau đó sẽ phục hồi. Đặc biệt vào quý III và quý IV sắp tới, khi rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra nhằm đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông bất động sản sẽ khiến doanh nghiệp thép là một trong những lựa chọn phù hợp để đầu tư.
Cần làm gì để tránh tật “thầy bói xem voi” trong dự phóng kết quả kinh doanh quý I/2023?
Tật dễ mắc nhất vào mỗi mùa kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư là trở thành 'thầy bói xem voi'. Theo chuyên gia SSI, tật xấu này xảy ra khi nhà đầu tư dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc dựa vào những gì đã nghiên cứu để lựa chọn doanh nghiệp mà không hề quan tâm đến các yếu tố khác.
“Nhiều khi bản thân mình chưa đủ mạnh, chưa có nhiều mối liên hệ đối với doanh nghiệp hoặc các tác động khác để mình đánh giá lại chính doanh nghiệp bản thân đã lựa chọn. Điều này dẫn đến việc quá thích cổ phiếu của mình và đánh giá, đưa ra quan điểm theo yếu tố chủ quan của bản thân mà không quan tâm đến đánh giá quan điểm của người khác. Đến khi có những yếu tố thực sự căn bản thay đổi thì chúng ta lại thay đổi không kịp, khi nhận ra mình sai thì đã thua lỗ rồi”, bà Dung chia sẻ.
Giám đốc Kinh doanh Hội sở, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng đây là lỗi mà rất nhiều nhà đầu tư có thể mắc phải. Việc bản thân có kinh nghiệm về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó và mình quá tự tin vào điều đó giống với câu chuyện thầy bói xem voi, tất cả mọi người đều có những ý kiến và quan điểm của riêng mình và tranh luận là điều dễ hiểu.
Nhưng thay vì ai cũng ôm khư khư quan điểm của mình và bỏ ngoài tai ý kiến của người khác, nếu những “thầy bói” này cũng tranh luận với nhau và đưa ra lý do vì sao tôi lại khác anh và sau đó bàn luận lại với nhau và đưa ra một góc nhìn tổng thể thì sẽ có thể giải quyết được vấn đề.
“Vậy thì đối với các nhà đầu tư hay chính bản thân tôi cũng như vậy, kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm là lợi thế nhưng nó cũng có thể được tối ưu khi kết hợp với các tài nguyên như các tài liệu của đội ngũ phân tích của các công ty chứng khoán.
Họ có mối quan hệ lớn, có kinh nghiệm phân tích tài chính kết hợp với dữ liệu vĩ mô được cập nhật liên tục. Nhà đầu tư có thể tận dụng được thế mạnh của chính bản thân mình cộng với việc xem xét lại, đánh giá lại từ các phân tích của những nhà đầu tư khác, của các tổ chức khác. Từ đó bản thân có thể đầu tư tốt hơn, có góc nhìn đúng đắn toàn diện hơn và không gặp phải câu chuyện thầy bói xem voi”.