Sáng 22/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: Dabaco) với sự tham gia của 309 cổ đông, đại diện cho 53,22% có quyền biểu quyết của công ty.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm tiêu thụ nội bộ. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng).
Năm 2022, doanh thu thuần của Dabaco đạt 11.558 tỷ, tăng gần 7% song lãi giảm 824 tỷ so với năm 2021 xuống còn hơn 5 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra, tập đoàn chỉ đạt hơn 51% chỉ tiêu doanh thu và rất nhỏ so với mục tiêu lợi nhuận năm (918 tỷ).
Đánh giá về năm 2022, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT chia sẻ mục tiêu ban đầu đặt ra dựa trên tính toán cẩn thận song năm qua xuất hiện nhiều biến cố về thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu bên cạnh yếu tố xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế đi xuống.
Năm 2022, người đứng đầu Dabaco ước tính sức mua giảm khoảng 45% nhưng đến thời điểm hiện tại đã giảm tới 65%.
Dabaco là một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm thiết yếu nhưng hầu hết phải bán dưới giá thành sản phẩm. Đối với mảng thịt heo, sản xuất ra với giá 55.000 - 56.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ở giá 47.000 - 48.000 đồng/kg và cao nhất là được 49.000 đồng/kg. Đấy là chưa nói tới việc dịch bệnh trong năm 2022.
Ông Nguyễn Như So chia sẻ: “Trong 27 năm ở Dabaco, tôi chưa khi nào phải họp với ban lãnh đạo tuần một lần, từ 7h sáng thậm chí là 3 ngày họp một lần. Hay 16, 17 năm nay, chưa khi nào tôi phải họp với đội thị trường nhưng gần một năm nay, tôi phải họp liên tục”.
Tại đại hội, ông So đã chia sẻ loạt khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. "Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có những vùng tưởng chừng không bao giờ xảy ra dịch bệnh thì lại bị. Dabaco sản xuất 60 triệu con gà giống một năm nhưng phải huỷ 30 triệu con, chỉ bán 30 triệu con".
"Đứt gãy trục cung ứng khiến giá cả trên thế giới gia tăng. Đơn cử như nhà máy ép dầu, Dabaco mua mỗi lần khoảng 30.000 - 40.000 tấn khô đậu tương nhưng giá cứ lên, đến khi mua về thì một tháng sau giá lại sập xuống. Chỉ cần xuống trăm USD/tấn thì Dabaco mất một vài triệu USD là chuyện bình thường. Rất khó để tính toán trên thị trường. Dabaco rất nỗ lực để mua từ các nhà sản xuất chứ không phải thương mại", Chủ tịch Dabaco thông tin.
Về vấn đề lãi suất leo thang thì Chủ tịch Dabaco cho hay doanh nghiệp chưa bao giờ phải vay quá 6%/năm, hiện chỉ vay với mức 4,5%, 5% hoặc có ngân hàng là 6%. Vốn lưu động còn nhiều.
Ở mảng bất động sản, có 36 ha đất chi hơn 200 tỷ đền bù năm 2016 nhưng tới nay vẫn chưa triển khai được do vướng về mặt chính sách, cơ chế của nhà nước.
Trong khi đó, Dabaco vẫn phải đầu tư, Thanh Hoá đầu tư rất lớn, lên tới nghìn tỷ đồng nhưng chỉ nuôi được 6.200 con lợn. Vừa qua, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam lớn quá, Dabaco phải nhập 5.000 con bố mẹ từ Pháp, tháng 7 này về tiếp 6.000 con ông bà và cuối năm lại về tiếp.
Ngoài vắc xin dịch tả lợn châu Phi đang nghiên cứu, công ty dự kiến ký hợp đồng sản xuất dịch tả lợn cổ điển và hướng đến sản xuất vắc xin dịch lở mồm long móng.
"Riêng dự án vắc xin dịch tả lợn châu Phi, Dabaco phải tốn nhiều chi phí nghiên cứu, chi phí máy móc, con người. Đây không phải là một dự án đơn giản nhưng nếu làm thành công thì sẽ là một dự án tỷ USD”.
Đánh giá về năm nay, người đứng đầu tập đoàn cho nhận định 2023 là năm cực kỳ khó khăn, với tình hình giá như hiện nay chắn chắn chúng ta phải chịu đựng tới hết quý II. Trước đây, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 - 29 triệu là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.
Không chia cổ tức năm 2022
Về kế hoạch đầu tư và xây dựng cơ bản, công ty lên kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chính và bổ trợ, tích cực tìm kiếm các cơ hội để triển khai các dự án trong lĩnh vực khác nhằm tối đa hóa lợi ích.
qua về mặt chủ trương như: Đường H2 theo hình thức BT và dự án đối ứng, khu chăn nuôi tại Quảng Ninh, nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn II...
Công ty cũng dự kiến trình đại hội kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022. Dabaco đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022, khoảng 8 tỷ đồng để bổ sung vào quỹ phát triển của công ty.
Đồng thời, mức trích thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Thư ký HĐQT tối đa không quá 1,5% lợi nhuận sau thuế.
Phần thảo luận:
Kế hoạch tung vắc xin dịch tả lợn châu Phi ra thị trường?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Để có vắc xin tung ra thị trường thì phải quý IV năm nay. Hết tháng 6 hoặc trung tuần tháng 6 sẽ cho nhà máy sản xuất vắc xin vào chạy thử nhưng chưa thể sản xuất được.
Nếu Dabaco triển khai thương mại thì doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu không?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Riêng vắc xin nếu làm được sẽ là một dự án tỷ USD. Dabaco sẽ xuất khẩu vắc xin sang nhiều nước nuôi lợn trên thế giới.
Tiềm năng tăng giá heo năm nay?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Chủ quan thì nghĩ giá phải lên. Hiện giá đang quanh vùng 54.000 - 55.000 đồng/kg, tổng đàn giảm thì không có lý gì không lên.
Vừa rồi, tổng đàn giảm cả các nước trong khu vực Trung Quốc, Thái Lan chứ không phải riêng Việt Nam.
Kế hoạch kinh doanh của Dabaco bao giờ cũng tính tới rủi ro. Ví dụ một con lợn nái một năm đẻ ra khoảng 28 con thì chỉ chỉ tính 26, quá trình nuôi lợn thịt thì tỷ lệ chết chỉ khoảng 5% thì tính toán đưa lên 7%. Lợi nhuận chỉ đưa ra mức 5-7%.
Doanh thu và lợi nhuận mảng dầu ăn của Dabaco năm vừa qua? Thành phẩm khô đậu tương sau khi ép dầu sẽ được doanh nghiệp tiêu thụ nội bộ hết hay có bán ra ngoài không?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Năm vừa qua, lãi 60 tỷ từ nhà máy ép dầu. Bã dầu tại nhà máy sử dụng 80% cho nội bộ còn 20% bán ra ngoài. Trước đây sản phẩm dầu ăn chỉ làm một loại, sắp tới Dabaco sẽ ra thêm sản phẩm về mẹ và bé, dầu cho người tim mạch,…
Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Hiện Dabaco chưa tổng hợp xong số liệu nhưng quý I sẽ còn khó khăn. "Dự báo quý II đỡ hơn, quý III tốt hơn và cố gắng quý IV tốt nữa. Dabaco sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra". Song kết quả kinh doanh vẫn còn phụ thuộc vào "thiên thời - địa lợi".
Dabaco nhập khẩu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn rất nhiều, công ty có giải pháp nào để hạn chế việc này nhằm giảm giá thành sản xuất?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Ở trong nước không chỉ riêng Dabaco mà tất các doanh nghiệp Mỹ, Hà Lan, Thái Lan đều phải nhập khẩu nguyên liệu.
Các nước trên thế giới họ trồng theo cánh đồng mẫu lớn hàng nghìn ha nhưng ở Việt Nam quy mô nhỏ, năng suất thấp, giá lại cao.
Trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, trước đây Việt Nam phải nhập khẩu bột cá nhưng hiện tại đã mua trong nước. Những nguyên liệu chính đều phải nhập khẩu. Nhưng tại sao sản xuất thức ăn chăn nuôi không lỗ vì tất cả các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu.
Riêng việc nghiên cứu sản phẩm thay thế nguyên liệu trong nước thì doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nào cũng trăn trở, các nhà khoa học hay các nhà quản lý cũng trăn trở.
Các sản phẩm của Dabaco khó tiếp cận với khách hàng dù vài năm qua có bán qua kênh siêu thị, doanh nghiệp có kế hoạch gì để đẩy mạnh đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng?
Chủ tịch Nguyễn Như So: Chi phí vào siêu thị rất cao. Trước đây tập đoàn có tham gia nhưng gần đây không tính tiếp cận kênh siêu thị. Có những siêu thị đòi chiết khấu 30-40% trong khi người sản xuất ra còn không được 30-40% lợi nhuận. Hoặc có siêu thị muốn lấy sản phẩm của Dabaco rồi đóng tên sản phẩm của siêu thị nên công ty không làm.
Dabaco sẽ không bỏ kênh siêu thị nhưngchỉ chấp nhận mức chiết khấu tối đa là 18-21% thì mới bán.
Công ty chỉ bán ở siêu thị sản phẩm trứng gà xanh, trứng gà omega-3, tới 80% sản lượng trứng gà của Dabaco bán cho doanh nghiệp bánh kẹo với giá cao hơn.
Dabaco có phát triển một số kênh tiêu thụ như kênh chợ truyền thống, kênh công đoàn, kênh bếp ăn. Năm vừa qua có tiếp cận bán sản phẩm ở nhiều toà nhà.
Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.