Ngày 5-12, Malaysia nhận định bất kỳ nỗ lực áp thuế nào của chính quyền Mỹ sắp tới nhằm áp thuế lên hàng hóa của các nước khối BRICS đều có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Trước đó hôm 30-11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dọa sẽ áp mức thuế tới 100% đối với hàng hóa các nước trong nhóm BRICS, nếu nhóm này ngừng giao dịch bằng USD.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS ban đầu bao gồm Brazil (B - Brazil), Nga (R - Russia), Ấn Độ (I - India), Trung Quốc (C - China), và Nam Phi (S - South Africa).
Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023, nhóm BRICS đã mở rộng lần đầu tiên sau hơn một thập niên, mời Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) gia nhập.
Trong nỗ lực chống lại trật tự thế giới do các nền kinh tế phương Tây thống trị, Malaysia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS nhưng chưa được chấp thuận, Hãng tin Reuters đưa tin.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz cho biết Malaysia đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến sau tuyên bố trên của ông Trump.
Theo đó, ông Tengku Zafrul nhấn mạnh Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia, cũng như các công ty Mỹ là những nhà đầu tư chính vào lĩnh vực bán dẫn của nước này.
Theo Hãng tin Reuters, Malaysia là một trung tâm về bán dẫn với khoảng 13% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu.
"Do đó, bất kỳ động thái nào nhằm áp đặt mức thuế 100% sẽ chỉ gây tổn hại cho hai bên vốn đang phụ thuộc vào nhau trong nỗ lực ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tengku Zafrul trả lời trước Quốc hội Malaysia.
Năm 2022, Nga - quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS - đã đưa ra ý tưởng giới thiệu một loại tiền tệ BRICS.
Đến tháng 10-2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trình bày: "Hợp tác bên trong BRICS không nhằm chống lại bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì, và cũng không chống lại đồng USD hay các loại tiền tệ khác".