Horacio Falcão, giáo sư trường Kinh doanh INSEAD, chuyên gia đàm phán ở Thụy Sĩ chỉ ra ba sai lầm phổ biến người lao động cần tránh khi chuẩn bị đề xuất thăng chức, nâng lương.
Bất ngờ đưa ra đề xuất
Theo Falcão, nhiều nhân viên có thói quen đưa ra đề xuất tăng lương hoặc thăng chức một cách đột ngột, đặc biệt vào các đợt đánh giá thường niên.
Mọi người quên mất rằng quá trình xét duyệt thường tốn nhiều thời gian cùng quy trình đánh giá năng lực khắt khe. Do đó, chuyên gia khuyên người lao động không nên đợi đến các cuộc đánh giá hàng năm mà cần thảo luận với cấp trên từ nhiều tháng trước.
"Nhân sự nên xây dựng mối quan hệ gần gũi với quản lý trực tiếp, chẳng hạn như mời đi cà phê để trò chuyện riêng", ông Falcão nói và nhấn mạnh cần cẩn trọng thực hiện từng bước.
Những cuộc trò chuyện thường xuyên giúp nhân sự dễ dàng đặt câu hỏi và nhận được góp ý từ cấp trên để cải thiện năng suất làm việc. Họ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi kiểu: "Tôi sẵn sàng dành thời gian và công sức để trở thành nhân viên tiếp theo được thăng chức, tôi nên làm gì để đạt được điều đó?".
Việc thảo luận trước các đợt đánh giá giúp cấp trên nhìn rõ mong muốn phát triển của nhân viên. Bên cạnh đó, nhân viên nên kiên trì thực hiện kế hoạch phát triển cả năm để thể hiện với cấp trên rằng họ có tiềm năng trở thành lãnh đạo tương lai.
Không đặt câu hỏi
Cuộc đàm phán thăng tiến có thể khiến nhân sự căng thẳng, bối rối. Trong một số trường hợp khi não bộ rơi vào trạng thái trống rỗng, không biết ứng xử tiếp thì đặt câu hỏi là cách giải quyết tốt nhất.
Giáo sư Falcão gợi ý một số câu hỏi người lao động có thể áp dụng để cuộc đàm phán đạt hiệu quả. Ví dụ một số câu hỏi dưới đây:
Việc tăng lương dựa vào những tiêu chí nào?
Theo chuyên gia, những con số xuất hiện trong cuộc thương thuyết cần dựa trên cơ sở cụ thể. Do vậy, khi người lao động đề xuất mức lương hoặc vị trí làm việc mới, họ cần được cung cấp thêm nhiều thông tin.
Bên cạnh đó, khi biết được tiêu chí tăng lương, người lao động cũng có thể biết bản thân đã đủ điều kiện hay chưa.
Tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ gì nếu nhận chức vụ này?
Quản lý cấp cao hoặc bộ phận nhân sự là những người nắm rõ mọi thông tin về cơ cấu và ngân sách của doanh nghiệp. Họ cũng là nhân tố quan trọng giúp nhân viên hiểu rõ về bối cảnh của công ty để đưa ra quyết định sáng suốt.
Quá trình trao đổi đang đến giai đoạn nào?
Giáo sư Falcão gợi ý khi quá trình thỏa thuận kéo dài, nhân viên cần đề nghị thời gian tạm nghỉ và kiểm tra nhanh tình hình.
Suy cho cùng, việc chấp thuận đề xuất thăng chức hoặc tăng lương sẽ do ban lãnh đạo quyết định. Vì vậy, tạo được môi trường thoải mái để cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi là cần thiết.
Không thỏa hiệp
Không giống các khía cạnh khác của công việc, quá trình đàm phán không có định nghĩa rõ ràng về thành công. Điều này trái với suy nghĩ của nhiều người rằng mỗi cuộc thỏa thuận phải đi đến kết quả cuối cùng là chấp thuận hoặc từ chối.
"Quá trình đàm phán thường hỗn loạn bởi mọi người đang cùng nhau tìm kiếm một thỏa thuận tốt nhất. Nhưng kết quả cuối cùng là sự thỏa hiệp đến từ hai phía", giáo sư nói.
(Theo CNBC)