Bất cập trong thanh tra, giám sát ngân hàng
Tại Hội thảo “ Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Báo Viettimes tổ chức sáng 5/12, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các Tổ chức tín dụng mới.
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.
Ông Nghĩa đánh giá đây là luật tốt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, hiện một số ngân hàng hiện vẫn vượt quá các tỷ lệ an toàn vốn quy định. Theo đó, ông Nghĩa cho rằng, không nên có lộ trình dài để các ngân hàng này tuân thủ, mà nên yêu cầu ngân hàng phải tuân thủ ngay trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Lo ngại về việc các ngân hàng có thể tìm cách trốn tránh tuân thủ quy định, ông Nghĩa dẫn chứng như việc phát hành trái phiếu trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra , nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi.
"Công tác giám sát và thanh tra hoạt động các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Như Ngân hàng SCB, tồn tại nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý", ông Nghĩa cho hay.
Nói một đằng nhưng làm một nẻo?
Nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhân nhận được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.
Ông Hiếu cũng cho hay, tại Việt Nam, tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo dẫn đến chưa kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
"Về vai trò của nhà quản lý, cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng không khó", ông Hiếu nói.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI - cho rằng, thực chất có sự vênh nhau giữa con số trên giấy tờ và thực tế của ngân hàng về cổ đông sở hữu ngân hàng. Nếu cổ đông sở hữu 100%, 70%, 50% bất kể con số nào cũng sẽ quản lý theo con số đó.
Theo ông Đức, vấn đề việc tăng giảm lộ trình bắt buộc phải có quy định nhưng bây giờ không xác định và xác định nhanh là 6 tháng vẫn chỉ là đẹp sổ sách và tuân thủ hình thức pháp luật, thậm chí còn có tình huống công ty con sở hữu trên 50% cổ phần ngân hàng. Ở đây không nói đến sở hữu vẫn có thể chi phối quyết định thì phải làm sao để quản lý, giám sát được hoạt động ngân hàng này diễn ra như thế nào, ai là người quyết định.
“Quan điểm của tôi là một người sở hữu tối đa 20-25% cổ phần ngân hàng chính thức không làm được gì, ít nhất phải 35% hay 49% mới giải quyết được vấn đề”, ông Đức nói.