Sáng nay (5/12), Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại là một trong những vấn đề trọng yếu để đảm bảo minh bạch và tránh lũng đoạn thị trường tài chính. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều tổ chức và cá nhân vẫn tìm cách vượt qua các giới hạn này bằng nhiều thủ thuật tinh vi. Nếu không có những bước đi quyết liệt, tình trạng lách luật và sở hữu chéo tiếp tục là điểm nghẽn lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Luật Tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng cho rằng vị thế của Thành viên HĐQT độc lập tại các ngân hàng vẫn còn yếu.
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phần lớn thành viên độc lập trong HĐQT các ngân hàng hiện nay là “bù nhìn” do cơ chế, cơ cấu.
Ông Hiếu nhận xét rằng thành viên HĐQT độc lập tại nhiều ngân hàng thường ngồi trong hội đồng là để ăn lương, gật đầu đồng ý theo quyết sách của Chủ tịch HĐQT. Trong khi đáng lẽ các thành viên độc lập trong hội đồng phải là đại diện cho tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ.
Ông Hiếu dẫn chứng cách mà HĐQT tại Mỹ làm việc, khi các biên bản cuộc họp HĐQT được lập rất chi tiết – nêu rõ ai là người đề xuất ý kiến, ai là người ủng hộ, ai phản đối. Các ý kiến từ ủng hộ đến phản đối đều được ghi chi tiết trong biên bản HĐQT.
Còn ở Việt Nam, nhiều biên bản cuộc họp HĐQT dùng một mẫu sẵn (template) của cuộc họp trước. Đến phần biểu quyết thì đều 100% theo ý của Chủ tịch HĐQT.
“Tôi từng ở trong HĐQT của 2 ngân hàng. Tôi nhìn thấy họ soạn sẵn biên bản cuộc họp. Đến cuối cuộc họp, thư ký cuộc họp in biên bản ra để phát cho các thành viên. Các thành viên HĐQT có khoảng 10 phút để xem biên bản cuộc họp và ký tên”, ông Hiếu chia sẻ và cho biết: Tại Mỹ, không có chuyện thành viên HĐQT chịu áp lực chỉ trong 10 phút, phải xem lại biên bản cuộc họp rồi đưa ra quyết định quan trọng; họ được phép trong vòng 1 – 2 ngày để ở nhà xem lại biên bản đó rồi đưa ra ý kiến.
Vì thế, ông Hiếu cho rằng các cơ quan quản lý nên có quy định về việc lập biên bản họp của HĐQT, cũng như trách nhiệm của các thành viên độc lập trong HĐQT.
“Ngân hàng Nhà nước nên có quy định là: Tất cả nghị quyết của HĐQT cần có ý kiến của thành viên HĐQT độc lập ghi vào trong biên bản”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng lấy ví dụ về chính trải nghiệm của bản thân, Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết, ông rất “thương” cổ đông nhỏ lẻ khi một số cổ đông lớn đã chi phối hết các quyết định ngân hàng.
Theo ông Hoè, thành viên HĐQT độc lập cần phải là đại diện cho các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài. Chính vì vậy, Nhà nước cần có thông tư hướng dẫn rất cụ thể về cơ chế hoạt động và vai trò của thành viên HĐQT độc lập.
Về nội dung này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng quy định đã rất đầy đủ về yêu cầu đối với biên bản họp HĐQT và nhiệm vụ của Thành viên HĐQT, trong đó nêu rõ về những nội dung cần phải có. Tuy vậy, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hoạt động của HĐQT độc lập là vấn đề lớn, khó và bị ảnh hưởng từ nhiều phía, còn ông chủ nhà băng thì bất chấp, đồng thời thành viên HĐQT độc lập thường là những người có bản lĩnh không cao.
“Tôi sẵn sàng làm thành viên HĐQT độc lập và có đủ khả năng để tranh luận đảm bảo lợi ích cho cổ đông nhỏ lẻ nhưng không bao giờ họ (các ngân hàng – pv) mời”, ông Đức cho hay.
Trong khi đó, với kinh nghiệm làm việc tại vị trí Thành viên HĐQT của một ngân hàng lớn, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, ông đã phát huy được khả năng của mình và đóng góp rất thiết thực cho ngân hàng, chủ yếu là người quản trị rủi ro.
Ông Hảo cho hay quản trị rủi ro muốn đạt được sự minh bạch phải có 2 điều kiện. Thứ nhất phải tuân thủ, thứ hai là phải có sự chính trực và cái đó phụ thuộc vào đạo đức của những người đang kinh doanh ở ngân hàng.
Lấy dẫn chứng từ nước ngoài, ông Hảo cho rằng luật quản lý ngân hàng của Việt Nam đang thiếu rõ ràng, minh bạch. “Tôi rất tán thành sự minh bạch trong quản trị ngân hàng”, ông Hảo nói.