Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 11.423,4 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh thành, phố). Vậy, trong 11 tháng, tình hình phát triển kinh tế của địa phương như thế nào?
IIP ước tăng 21,54%
Trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính giảm 11,42% so với tháng trước và tăng 16,29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 11,68% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,05% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện giảm 39,46% so với tháng trước và tăng 56,82% so với cùng kỳ năm trước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,33% so với tháng trước và tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 21,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,73%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 51,43%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,78%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 4%
Cũng trong tháng 11, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 170,67 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đạt 1.429,95 tỷ đồng, tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.259,57 tỷ đồng (chiếm 88,09%), giảm 3,65% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 21,71 tỷ đồng (chiếm 1,52%), giảm 11,67% so với cùng kỳ năm trước; và thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp đạt 148,67 tỷ đồng (chiếm 10,4%), tăng 267,32% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 1.183,09 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đạt 13.467,16 tỷ đồng, tăng 5,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.144,83 tỷ đồng (chiếm 30,78%), giảm 9,11%; chi thường xuyên đạt 9.311,82 tỷ đồng (chiếm 69,14%), tăng 13,73%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm 10%
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 ước đạt 396,09 tỷ đồng, tăng 10,29% so với tháng trước, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước
Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.410,92 tỷ đồng, giảm 10,06% so với cùng kỳ năm trước và đạt 74,93% kế hoạch năm.
Cụ thể: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.348,90 tỷ đồng, giảm 18,9% và đạt 77,01%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 969,13 tỷ đồng, tăng 19,71% và đạt 72,59%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 92,89 tỷ đồng, tăng 7,42% và đạt 55,78%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,8%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 2.292,02 tỷ đồng, tăng 1,26% so với tháng trước, tăng 24,72% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 24.154,04 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 92,12%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 110,23%.
Bình quân CPI tăng 0,84%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,02% so với tháng trước.Trong đó có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 5 nhóm có chỉ số giá tăng và 3 nhóm bình ổn.
So với tháng 12/2023, CPI giảm 0,46% và giảm 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2023.