Liên quan đến vụ việc lùm xùm đấu thầu tại dự án xây dựng đường Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (Ban QLDA) có báo cáo giải trình, giải thích rõ lý do Tập đoàn Sơn Hải và 3 nhà thầu khác trượt thầu.

Theo báo cáo của Ban QLDA, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt tại Quyết định 233/QĐ-UBND ngày 11/2/2025, gói thầu được áp dụng đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu là Công ty Cổ phần tư vấn Văn Phú (Hà Nội), Tổ chuyên gia do đơn vị tư vấn thành lập.
Vào ngày 6/5, Tổ chuyên gia đã lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) gửi Ban QLDA. Tham gia đấu thầu có 5 đơn vị, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải.
Theo đánh giá của Tổ chuyên gia, E-HSDT của 5 nhà thầu đều hợp lệ, đủ năng lực và kinh nghiệm, tuy nhiên kết quả đánh giá về kỹ thuật có 4 nhà thầu không đạt, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải, chỉ duy nhất Liên danh cao tốc HCM-TDM-CT (gồm Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng NTV Thành Phát) là đạt yêu cầu.
Cụ thể, Tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu về vật tư thiết bị cung cấp cho gói thầu; Không đáp ứng yêu cầu về tổ chức thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM) trong gói thầu; Không đáp ứng yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu.
Tổ chuyên gia đấu thầu kết luận quá trình đánh giá E-HSDT của các nhà thầu được thực hiện dựa theo các quy định đối với hình thức đấu thầu qua mạng. Cụ thể, đánh giá năng lực các nhà thầu hoàn toàn dựa theo các tài liệu do nhà thầu tự kê khai và nộp qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng như các tài liệu làm rõ.
Dựa trên hồ sơ E-HSDT, Tổ chuyên gia đã thống nhất và kiến nghị chủ đầu tư xem xét lựa chọn Liên danh cao tốc HCM-TDM-CT là đơn vị trúng thầu. Sau đó chủ đầu tư đã ban hành thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu theo kiến nghị của Tổ chuyên gia.
Còn theo chủ đầu tư, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, có một số nội dung cần làm rõ, Ban QLDA đã tổ chức thực hiện theo quy định, đồng thời xin ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan và đã được Cục Quản lý đấu thầu, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời bằng văn bản.
Năng lực của đơn vị trúng gói thầu ra sao?
Kết quả lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (Ban QLDA) cho thấy, đơn vị trúng thầu là Liên danh cao tốc HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Gói thầu trị giá hơn 880 tỷ đồng, giá dự thầu của liên danh này là hơn 866 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Liên danh Cao tốc HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành gồm Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Tổng công ty Trường Sơn) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát (Công ty Thành Phát).
Tổng công ty Trường Sơn thành lập vào năm 1996, có trụ sở tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), do ông Nguyễn Hữu Ngọc làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có 11 gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam trục dọc, 3 gói thầu thuộc cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 2 dự án thành phần đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang… Bên cạnh đó là các dự án như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng; các gói thầu quốc phòng, rà phá bom mìn tại nhiều địa phương…
Theo báo cáo tài chính công bố hồi cuối tháng 3/2025, tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của tổng công ty này ghi nhận hơn 12.680 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 717,5 tỷ đồng và nợ phải trả là 11.963 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đạt 47,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so với năm 2023. Hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản là 0,36% và hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 6,67%.
Đơn vị này đã tham gia 680 gói thầu, trong đó trúng 642 gói, trượt 32 gói, 5 chưa có kết quả, 1 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị các gói thầu đã trúng (bao gồm liên danh) hơn 128 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là 11 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn lại trong liên danh này là Công ty Thành Phát, được thành lập năm 2010, có trụ sở tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do bà Hà Ngọc Ninh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc và đại diện pháp luật. Vốn điều lệ cập nhật gần nhất (tháng 6/2024) đạt 56 tỷ đồng; trong đó bà Ninh góp 68%, bà Nguyễn Châu Linh 32%.
Ngoài trụ sở chính đăng ký tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp này cũng có các văn phòng đại diện tại Hà Nội, Bình Dương.
Dự án xây dựng cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn TPHCM (khoảng 2 km đường dẫn), tỉnh Bình Dương (dài 52 km) và tỉnh Bình Phước (dài 7 km). Đoạn qua tỉnh Bình Phước được tổ chức động thổ dự án vào tháng 12/2024 với tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng. |