Do đó theo các chuyên gia, cần sớm có cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ điện tái tạo.
Hệ thống lưu trữ sẽ giúp giải quyết được bài toán bất ổn định của năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời (ĐMT) mái nhà, và được lắp rộng rãi trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, thậm chí chưa có quy định để lắp đặt mà chỉ mới dừng ở khuyến khích.
Đã đến lúc cần hành lang pháp lý để tính đường dài, giúp lưu trữ phát triển, đảm bảo an toàn hệ thống điện.
Chi phí lưu trữ điện giảm mạnh nhưng vẫn cao
Những năm qua, các chủ đầu tư các trang trại ĐMT đã tính toán đến phương án lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để lưu trữ nguồn điện giờ thấp điểm (ban ngày) và bán lại nguồn điện này lên lưới điện quốc gia vào giờ cao điểm (ban đêm).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mua điện từ hệ thống lưu trữ điện trong khi giá lắp đặt hệ thống này quá cao, hiệu suất kém và khả năng thu hồi vốn thấp.
Với các gia đình, các doanh nghiệp chào giá các hệ thống lưu trữ vài kW cũng lên đến hàng trăm triệu đồng nên rất ít người dân lắp đặt hệ thống này.
Tuy nhiên, khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy giá hệ thống lưu trữ đã giảm mạnh thời gian qua và số lượng người dân lắp đặt cũng đã tăng cao.
Nhiều nhà cung cấp đang lắp ĐMT, bao gồm cả hệ thống lưu trữ với mức giá dao động từ 14 - 30 triệu đồng cho 1 kW tùy thuộc vào tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nguồn gốc thương hiệu...
Với một hệ thống ĐMT 10kWp, có đơn vị chào giá 145 triệu đồng tại miền Bắc và 180 triệu đồng tại miền Nam, bao gồm các hệ thống lưu trữ.
Theo doanh nghiệp này, chi phí bình quân đầu tư cho pin lưu trữ là 4 triệu đồng/kW với hệ số lưu trữ là 50%. Tuổi thọ trung bình của các loại pin lưu trữ này chỉ được từ 3-5 năm, loại có tuổi thọ nhiều hơn là 5-15 năm nhưng chi phí sẽ lớn hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Minh Đức - giám đốc Công ty TNHH Solar Miền Bắc - cho biết sau đợt thiếu điện năm ngoái, nhiều người dân đã chủ động lắp đặt hệ thống lưu trữ điện với chi phí khoảng 14-16 triệu đồng/kW cho cả hệ thống ĐMT, phổ biến nhất là người dân đầu tư hệ 6-10kW.
Với hệ thống lưu trữ, theo ông Đức, mức giá sẽ rơi vào 80-100 triệu đồng cho hệ thống lưu trữ khoảng 6-7kW.
Trong trường hợp cúp điện, pin lưu trữ vẫn đảm bảo cho các thiết bị điện cơ bản và điều hòa hoạt động trọn một đêm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có kho lạnh cũng đã lắp đặt hệ thống lưu trữ, với công suất khoảng 100kW, do chưa có cơ chế trong khi chi phí bỏ ra đầu tư khá lớn.
Cần cơ chế mua bán từ điện lưu trữ
Chính sách khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà đang được Bộ Công Thương xây dựng với hai mô hình có nối lưới và không nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, theo một đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc lắp đặt hệ thống pin lưu trữ cho hệ thống ĐMT áp mái chỉ mang tính khuyến khích, không có quy định cụ thể trong dự thảo.
Tuy nhiên, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã xin ý kiến Chính phủ về việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp ĐMT mái nhà với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định hệ thống.
Cũng bởi Luật Điện lực, các văn bản pháp luật của Chính phủ chưa có quy định về việc khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà kết hợp hệ thống lưu trữ điện.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Một đại diện của EVN cũng cho hay việc mua điện từ các hệ thống ĐMT áp mái theo quyết định 11 và quyết định 13 trước đây sẽ không yêu cầu phải lắp đặt hệ thống pin lưu trữ.
Việc lắp đặt hệ thống này tùy thuộc nhu cầu của từng đơn vị tổ chức, cá nhân, nhưng do chi phí lắp đặt hệ thống này ở mức cao, thông thường sẽ "không ai đầu tư" do lượng điện dư thừa đã được bán lên lưới.
Tuy nhiên, kể từ khi các chính sách này không còn hiệu lực, nhiều tổ chức và cá nhân có nhu cầu vẫn lắp đặt ĐMT mái nhà đã đầu tư thêm hệ thống pin lưu trữ.
Cũng theo vị này, về mặt kỹ thuật, hệ thống ĐMT áp mái vẫn phải bám lưới hoặc có pin lưu trữ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Bởi chỉ cần một đám mây và khi mặt trời tắt nắng, nguồn điện này sẽ không thể đáp ứng, nên lưới điện sẽ đóng vai trò là nguồn chạy nền để khi cần sẽ bù vào để vận hành các thiết bị.
Vì vậy, đối với loại hình ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu không nối lưới, nghị định vẫn cần phải cho phép các tổ chức và cá nhân được bám lưới, nhưng phải lắp đặt hệ thống chống phát ngược lên lưới để đảm bảo vận hành hệ thống.
Tuy nhiên, cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho thiết bị này, cũng như có cơ chế khuyến khích các đơn vị muốn tận dụng năng lượng dư thừa lắp đặt hệ thống lưu trữ để phục vụ việc tự sử dụng.
Giảm lãng phí năng lượng tái tạo
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 4 tháng đầu năm nay, tỉ lệ huy động nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm tới 15,1%, trong đó ĐMT đạt 9,26 tỉ kWh và điện gió đạt 4,78 tỉ kWh.
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện đặt ra không ít thách thức khi lệch pha cung cầu, các hệ thống ĐMT chỉ phát được trong khung giờ từ 7-17h và đạt đỉnh công suất vào 11-14h30, trong khi cao điểm tiêu thụ điện là 9-11h và 14-16h vào mùa hè và 17-19h vào mùa đông.
Điều này dẫn tới một lượng lớn nguồn điện tái tạo trong thời điểm công suất đạt đỉnh bị dư thừa, gây lãng phí, trong khi những thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, vào giờ cao điểm lại không thể đáp ứng.
Vì vậy, giải pháp lưu trữ điện với bộ lưu trữ năng lượng được tính đến, mang lại lợi ích rất lớn cho người sử dụng và cả hệ thống điện.
Vấn đề đặt ra là hệ thống pin lưu trữ này có chi phí đầu tư cao nên không phải cá nhân, tổ chức nào lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái cũng có khả năng đầu tư.
Cũng theo vị này, muốn người dân và doanh nghiệp đầu tư hệ thống pin lưu trữ, cần phải có cơ chế mua bán điện từ hệ thống lưu trữ.
Với kinh nghiệm ở một số nước đã áp dụng cơ chế nhà máy ảo, tức là tất cả nguồn năng lượng ĐMT áp mái phân tán được xem như một nguồn phát và được huy động khi công suất đỉnh của hệ thống ở mức cao.
Khi đó, một đơn vị tư nhân sẽ có vai trò thu gom nguồn điện này để phát lưới.
Nguồn điện này phục vụ một số trường hợp khi hệ thống cần để điều tần hoặc điều áp, là dịch vụ phụ trợ hệ thống, nên chi phí được thanh toán trong trường hợp này không phải giá mua bán điện mà là giá dịch vụ phụ trợ hệ thống và mức giá này rất cao.
Giúp ổn định hệ thống điện
Ông Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group - cho hay có sự chênh lệch lớn về giá điện khi được lưu trữ và phát ra so với việc mua trực tiếp.
Ví dụ, trong khi giá mua điện trực tiếp từ EVN chỉ là 3 đồng, nhưng khi đầu tư hệ thống lưu trữ điện và sau đó phát ra, giá điện có thể tăng lên đến 5 đồng do chi phí khấu hao cho thiết bị lưu trữ.
Cũng theo ông An, việc lưu trữ năng lượng đang gặp khó khăn về mặt thương mại vì chi phí đầu tư công nghệ lưu trữ vẫn còn cao và khó khăn trong việc đánh giá tính kinh tế của việc lưu trữ điện.
Tuy nhiên, trong tương lai, những rào cản trên sẽ được tháo gỡ khi công nghệ thay đổi, giá thành rẻ hơn và có hành lang pháp lý rõ ràng.
Nếu có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ và bán lại điện cho lưới điện quốc gia thì sẽ góp phần giúp ổn định đối với hệ thống điện khi sử dụng năng lượng tái tạo.
Bà Sunita Dubey, chuyên gia quốc tế về năng lượng, cho hay việc tích hợp hệ thống lưu trữ vào cơ sở hạ tầng và lưu trữ năng lượng dư thừa sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí điện.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa những lợi ích này, VN phải đẩy nhanh việc triển khai hệ thống lưu trữ và thực hiện thêm các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống này.
Chi phí đầu tư pin lưu trữ giảm mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Elva Wang - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar - cho biết chi phí đầu tư hệ thống lưu trữ điện đã giảm mạnh trong 10 năm qua.
Đặc biệt, từ năm ngoái đến nay, giá hệ thống lưu trữ giảm đến phân nửa, nên các nhà máy dễ dàng đầu tư hệ thống lưu trữ hơn.
Đáng chú ý, đã có những nhà máy sử dụng 100% nguồn điện từ ĐMT kết hợp với điện lưu trữ, như nhà máy của doanh nghiệp này tại VN.
Theo bà Elva Wang, với công nghệ lưu trữ thế hệ mới, doanh nghiệp này có hệ thống lưu trữ với công suất lên đến 4,07MWh, chỉ xếp vừa trong một container 20 feet và công nghệ làm mát mới nên giảm các nguy cơ về cháy nổ.
Tương tự, bà Trần Thị Thu Vân - giám đốc quốc gia của SolaX Power - cho biết nhà sản xuất này cũng đang cung cấp nhiều hệ thống lưu trữ tại thị trường VN.
Giá pin lưu trữ đã giảm mạnh trong thời gian qua, người dân đầu tư dưới 100 triệu đồng là có hệ thống lưu trữ chất lượng với công suất khoảng 6-7kW.
"Nhu cầu dùng lưu trữ nhiều hơn, cộng với công nghệ cũng đã cải tiến nhiều, độ bền tốt hơn, nhiều hãng cũng sản xuất pin lưu trữ nên giá đã giảm mạnh" - bà Vân.
Cũng theo bà Vân, công nghệ pin cũng đã thay đổi, trước đây chủ yếu dùng pin axit chì với vòng đời sử dụng thấp, nhưng hiện nay chủ yếu đã chuyển đổi sang công nghệ Lithium với số lần sạch xả cũng như hiệu suất cao hơn.