Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines , mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2022 với số tiền lỗ lên tới 2.685 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 31/3, lỗ lũy kế của hãng hàng không này lên đến 24.500 tỷ đồng (ước tính hơn 1 tỷ USD).
Mặc dù doanh thu 3 tháng đầu năm 2022 đạt mức 11.600 tỷ đồng, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất từ quý II/2020, thời điểm mà dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.
Vietnam Airlines lần thứ 9 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận sau thuế còn không đạt mức 0 đồng
Tuy nhiên, dù doanh thu tăng cao nhưng giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu, khiến Vietnam Airlines lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Theo đó, sau khi trừ các chi phí khác, lợi nhuận trước thuế lại mang con số âm lên đến 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 9 liên tiếp hãng hàng không quốc gia ghi nhận lợi nhuận sau thuế còn không đạt mức 0 đồng.
Đứng trước thực trạng lỗ lũy kế lên đến hơn 1 tỷ USD, việc bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) theo như quy định là nguy cơ có thể xảy ra khi tính đến nay, cổ phiếu của Vietnam Airlines vẫn đang nằm trong diện kiểm soát giao dịch.
Từ đó, không ít người thắc mắc với kết quả kinh doanh như trên, thù lao của lãnh đạo Vietnam Airlines có biến động gì không?
Trên thực tế, trong báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp không có thông tin về quỹ tiền lương và thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 3, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines về tiền lương năm 2021 và kế hoạch tiền lương, thù lao năm 2022.
Theo đó, trong năm 2021, căn cứ các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và lao động thực hiện năm 2021 của công ty mẹ - Vietnam Airlines (lợi nhuận trước thuế âm 12.688 tỷ đồng), quỹ tiền lương thực hiện của thành viên HĐQT và Ban kiểm soát tại Vietnam Airlines được tính bằng 60% mức tiền lương bình quân (gồm cả tiền thưởng an toàn, nếu có), thù lao thực tế của từng chức danh tương ứng thực hiện trong năm 2019.
Cụ thể, ông Đặng Ngọc Hòa , Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, nhận mức tiền lương, thù lao gần 91,5 triệu đồng/tháng, tương đương gần 1,1 tỷ đồng/năm. Ông Lê Trường Giang, Tạ Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Thiên Kim, Trưởng Ban kiểm soát nhận lương, thù lao trên 73 triệu đồng/tháng, tương đương 878 triệu đồng/năm. Ông Mai Hữu Thọ, Thành viên Ban kiểm soát nhận lương, thù lao gần 46 triệu đồng/tháng, tương đương 549 triệu đồng/năm.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines
Được biết, tổng tiền lương cho thành viên HĐQT, kiểm soát viên chuyên trách và thù lao thành viên HĐQT, kiểm soát viên không chuyên trách của Vietnam Airlines trong năm 2021 là 4,6 tỷ đồng.
Sang năm 2022, sau khi tính đến các yếu tố khách quan do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận, căn cứ mức độ giảm lỗ so với thực hiện năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xác định mức tiền lương của Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thấp hơn năm 2021 là 70 triệu đồng/tháng, tương đương 840 triệu đồng/năm.
Các thành viên HĐQT hưởng mức lương 60 triệu đồng/tháng, Trưởng Ban kiểm soát 60 triệu đồng/tháng, tương đương 720 triệu đồng/năm; kiểm soát viên 50 triệu đồng/tháng, tương đương 600 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, mức thù lao của thành viên HĐQT, kiểm soát viên không chuyên trách bằng 20% mức tiền lương tương ứng của thành viên HĐQT, kiểm soát viên chuyên trách. Trường hợp năm nay, Vietnam Airlines bổ sung thành viên HĐQT hoặc kiểm soát viên thì mức tiền lương của người quản lý được xác định bằng mức lương của chức danh tương ứng.
Dự kiến, tổng tiền lương cho thành viên HĐQT, kiểm soát viên chuyên trách và thù lao thành viên HĐQT, kiểm soát viên không chuyên trách của Vietnam Airlines trong năm nay là gần 4,2 tỷ đồng.