Lợi nhuận doanh nghiệp đã qua giai đoạn đỉnh cao
Nửa cuối năm 2022, cơn “khát” phân bón toàn cầu đã hạ nhiệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng qua thời kỳ đỉnh cao, có xu hướng chậm lại trong quý III/2022 và giảm sâu trong quý IV/2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM), doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 3.900 tỷ đồng và 1.140 tỷ đồng, giảm lần lượt 23% và 32% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận quý này của Đạm Phú Mỹ giảm tốc do giá dầu và giá ure có xu hướng đi xuống so với quý IV/2021.
Dù vậy, tính chung cả năm 2022, kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 ở mức 18.745 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021, lãi sau thuế khoảng 5.606 tỷ đồng, tăng 77%. Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ đã vượt 10% kế hoạch doanh thu và vượt 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Đại diện Đạm Phý Mỹ cho biết năm 2022, nguồn nguyên liệu đầu vào được đảm bảo cùng với các chính sách bán hàng linh hoạt, hệ thống phân phối rộng đã giúp công ty tận dụng tốt được thời cơ khi giá bán tăng cao, đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Theo đó, tổng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón của Đạm Phú Mỹ trong năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn, trong đó tiêu thụ mặt hàng ure chiếm khoảng 791.000 tấn, hoàn thành 99% kế hoạch năm và tăng 6% so với năm 2021.
Sản lượng xuất khẩu ure năm 2022 đạt 192.000 tấn, tăng 278% so với kế hoạch năm và gấp 3 lần năm 2021. Tận dụng thời cơ xuất khẩu ure với giá cao chính là một trong những yếu tố đưa kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ lập kỷ lục.
Tương tự như Đạm Phú Mỹ, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV/2022 đi xuống.
Theo đó, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau trong quý IV/2022 đạt 4.458 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 8% xuống 1.004 tỷ.
Lũy kế cả năm 2022, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục với 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021, lãi sau thuế khoảng 4.280 tỷ, tăng 134%.
Cuối tháng 12/2022, công ty đã nâng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với 14.525 tỷ đồng doanh thu và 3.661 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Như vậy, công ty đã vượt 10% kế hoạch doanh thu và vượt 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đại diện Đạm Cà Mau nhận định 2022 là một năm buồn cho tiêu thụ nội địa khi sản lượng giảm 30-40%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu với sản lượng 410.400 tấn, đóng góp doanh thu 260 triệu USD, tương đương khoảng 6.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mặt hàng tự doanh cũng ghi nhận sản lượng 120.000 tấ giúp công ty duy trì tăng trưởng doanh số, giảm phụ thuộc công suất sản xuất giới hạn cũng như tình hình giảm cầu trong nước.
Cơn “khát” phân bón của thế giới đã hạ nhiệt, lợi nhuận của các doanh nghiệp không chỉ giảm trong quý IV/2022, thậm chí có công ty còn ghi nhận thua lỗ.
Cụ thể trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG ghi nhận doanh thu thuần đạt 210 tỷ đồng, giảm 70% so với quý IV/2021. Trong quý này, công ty kinh doanh dưới giá vốn khiến biên lợi nhuận lao dốc xuống âm 3,2%, công ty lỗ sau thuế 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16,5 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, Phân bón Miền Nam đạt doanh thu thuần 2.009 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỷ đồng, tăng 23%. Với 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty đã vượt 75% chỉ tiêu lợi nhuận và 14% kế hoạch doanh thu năm 2022.
Vẫn còn dư địa cho doanh nghiệp xuất khẩu phân bón
Có thể thấy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp phân bón trong quý IV/2022 đã giảm mạnh so với đầu năm. Điển hình như biên lợi nhuận gộp quý IV/2022 của Đạm Hà Bắc chỉ còn 33,1% trong khi quý I/2022 với cao nhất trong nhóm với gần 56%; biên lợi nhuân gộp của Phân bón miền Nam thậm chí rơi xuống mức âm 3,2% trong khi quý đầu năm vẫn khả quan ở mức 10,8%.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất ure có thể bắt đầu giảm từ quý IV/2022 do giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.
Tương tự, CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng cho rằng các doanh nghiệp phân bón có thể đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trong năm 2023 do nguồn cung dư thừa, giá ure giảm nhanh hơn nguyên liệu.
Theo BSC, nguồn cung ure năm 2023 có thể tăng trở lại khi Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu phân bón và Ấn Độ có xu hướng tăng cường sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Mặt khác, giá ure thế giới hiện giảm 35 – 50% so với mức hồi đầu năm 2022, trong khi giá các nguyên liệu chính mới hạ nhiệt 18 – 30% (ngoại trừ giá khí ở Châu Âu và than). Điều này cho thấy giá ure đang giảm nhanh hơn so với nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ure, tạo áp lực lên tăng trưởng các công ty do mức nền năm 2022 cao.
Bàn về triển vọng ngành năm 2023, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) nhận định việc Trung Quốc mở cửa, khôi phục lại việc sản xuất và xuất khẩu phân bón chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá phân bón thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, ông Phùng Hà cho rằng Trung Quốc tham gia thị trường, không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam không còn cơ hội. Thực tế, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, các nhà máy phân bón ở châu Âu vẫn đóng cửa vì giá khí, nhiên liệu cao, Nga vẫn khó khăn trong xuất khẩu phân bón, lệnh cấm vận xuất khẩu hàng hóa của Belarus chưa được dỡ bỏ… Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam vừa có thể duy trì các thị trường cũ, vừa tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
“Thậm chí ngay cả khi xung đột chính trị kết thúc, các nước cũng cần thời gian để phục hồi sản xuất, do vậy ít nhất trong năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón vẫn còn cơ hội nhất định”, ông Phùng Hà phân tích.