"Nên duyên" với trái mít
Hồi tưởng lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit cho biết do không có trường nào nhận đào tạo, ông tới học tập tại một công ty nông trường ở Đồng Nai. Do còn trẻ, ông được cơ cấu vào làm cán bộ khung, có cơ hội làm kinh tế nhiều hơn.
“ Lúc đó, tôi nghĩ bằng mọi giá phải tìm thứ gì đó để thoát cái nghèo, cái khổ của nông trường. May mắn là tôi phụ trách công tác xuất khẩu các loại cây gỗ, từ đó quen biết nhiều ở công ty Napolimex, đồng thời có cơ hội rời nông trường về Sài Gòn, tiếp cận lĩnh vực mây tre lá ”, ông Viên kể lại trong chương trình 5W1H Podcast.
Lý do ông chủ Vinamit khởi nghiệp với mây tre lá xuất phát từ mong muốn làm ra những sản phẩm xuất khẩu được, mà khi đó ngoài cây gỗ chỉ còn sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chính việc xuất khẩu giúp ông tiếp cận các thị trường bên ngoài như Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, từ đó mở ra cơ hội khác.
“ Tôi nghĩ làm mây tre lá một ngày nào đó cũng cạn. Tôi bắt đầu quay lại nghề cũ là nghiên cứu sản phẩm chế biến sau thu hoạch cho lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp mới thực sự là của Việt Nam mình. Sản phẩm nông nghiệp không bao giờ cạn, còn nếu làm lâm nghiệp một ngày nào đó sẽ cạn ”.
“ Khi đó chưa có khái niệm chế biến sau thu hoạch. Tôi chỉ nghĩ cách làm sản phẩm gì từ nông nghiệp để người dân không phải đem trái cây trồng xong đi đổ, cho bò ăn ”, ông Viên bày tỏ.
Công nghệ sấy khô trái cây trong điều kiện chân không xuất hiện từ năm 1984. Chỉ khoảng 2 năm sau ông Viên đã được một người thầy truyền đạt. Người này còn có học trò ở Malaysia nghiên cứu về làm trái khế, Đài Loan thì nghiên cứu về trái táo.
“ Tôi thì thích trái mít. Loại trái này còn có cái hay là có quanh năm. Theo kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp, tôi sợ nhất là ngưng sản xuất. Công nhân đói hết, mình cũng buồn, nên phải kiếm thứ gì có quanh năm. Trái mít rất phù hợp. Từ đó mới có câu chuyện mít sấy ”, ông giải thích.
Sản phẩm mít sấy của Vinamit.
4 năm đòi lại thương hiệu tại Trung Quốc
Sau khi nghiên cứu và làm ra sản phẩm mít sấy, ông Viên tiến vào thị trường Trung Quốc – “thỏi nam châm” với hầu hết doanh nhân nhờ quy mô vô cùng lớn. Tuy nhiên, một cuộc chiến pháp lý kéo dài ròng rã 4 năm cũng bắt đầu từ đây.
“ Thương hiệu tôi làm ra đang để trên kệ thì hệ thống siêu thị thông báo: Anh phải bỏ hàng của anh xuống, bởi người khác đang kiện anh. Mình trở thành người đang đi ăn cắp của người khác ”, ông Viên nhớ lại.
Trong một bài phỏng vấn với báo Tiền Phong trước đây, ông Viên cho biết sản phẩm mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành (thương hiệu của Vinamit từ ngày đầu thành lập) được ông đưa sang Trung Quốc từ năm 1997.
Ông đã đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc, nhưng không ngờ phía đối tác làm ăn với Vinamit ở nước này lẳng lặng đi đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hoa. Trong khi đó, luật pháp Trung Quốc yêu cầu phải đăng ký tên bản địa kèm với thương hiệu gốc mới được bảo hộ đầy đủ.
Năm 2007, bằng chứng nhận độc quyền thương hiệu Đức Thành được cấp cho bên khác, không phải ông Viên. Khi đó, sản phẩm Vinamit không những có khả năng bị đánh bật khỏi thị trường Trung Quốc, mà ông Viên còn có nguy cơ bị bắt vì tội làm giả thương hiệu.
“ Cũng rất may, tôi đưa ra được nhiều bằng chứng. Trong đó, bằng chứng quan trọng nhất là người đó là anh ruột của một khách hàng thân thiết. Khách hàng đó từng có hợp đồng làm nhà phân phối của tôi. Theo một điều luật của Trung Quốc, nếu chứng minh được việc ăn cắp là do một sự thân quen, một mối quan hệ mà người ta biết rằng có lợi cho họ trong tương lai, mình sẽ thành côn g”.
“ Nghe thì rất dễ, nhưng hành trình chứng minh hai người này là anh em ruột, rồi chứng minh tôi và người đó có hợp đồng với nhau bằng các chứng từ là cả quá trình. Cuối cùng, phải rất cảm ơn nhóm luật sư tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã hỗ trợ ”, ông Viên kể lại trên 5W1H Podcast.
Cuối năm 2012, trải qua 3 phiên tòa, toà án thương mại tại Bắc Kinh ra phán quyết chính thức thừa nhận Vinamit là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu Đức Thành.
“ Không nên xem nhẹ việc đăng ký bản quyền thương hiệu, dù là thương hiệu nhánh, vì chi phí này thấp hơn so với hành trình ròng rã để đòi lại. Nhưng khi đã phải tham chiến để giành lại thương hiệu, động lực chiến đấu không chỉ là giá trị tài chính, mà là giá trị của đứa con tinh thần của mình ”, Chủ tịch Vinamit đúc rút trong một chương trình về khởi nghiệp.