Kỹ năng sống

Tại sao livestream bán hàng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng lại không hot ở Mỹ

SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho biết, những gã khổng lồ công nghệ từ Meta đến ByteDance đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đột phá thị trường livestream bán hàng tại Mỹ, do những lỗ hổng công nghệ và thiếu những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) khiến các công ty khó nhân rộng mô hình livestream bán hàng vốn rất phổ biến ở Trung Quốc.

Công ty Meta đã thông báo vào đầu tuần trước rằng, bắt đầu từ ngày 16/3, người dùng nền tảng mạng xã hội Instagram của họ sẽ không thể gắn thẻ sản phẩm trong khi phát sóng trực tiếp. Nền tảng Facebook cũng của Meta đã ngừng chức năng livestream bán hàng từ tháng 10 năm ngoái.

Với xu hướng livestream bán hàng đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, Instagram đã ra mắt tính năng livestream bán hàng vào tháng 8/2020. Một lý do khác để mở tính năng này là các biện pháp phong tỏa trong đại dịch COVID-19. Với việc các cửa hàng truyền thống buộc phải đóng cửa và người tiêu dùng phải ở nhà, ngày càng có nhiều người bắt đầu mua hàng qua các cửa hàng trực tuyến có hoạt động livestream bán hàng.

Theo SCMP, bất chấp những nỗ lực, phản ứng của người tiêu dùng Mỹ đối với việc mua sắm tại các cửa hàng trực tuyến có hoạt động livestream bán hàng vẫn còn ảm đạm so với người tiêu dùng Trung Quốc. Gần 3/4 số người Trung Quốc được hỏi trong một cuộc khảo sát vào tháng 7/2022 cho biết, họ đã tìm hiểu và mua sản phẩm thông qua hoạt động livestream bán hàng của các cửa hàng trực tuyến, trong khi hơn 2/3 người Mỹ cho biết họ chưa bao giờ xem livestream bán hàng.

Alessandro Bogliari - đồng sáng lập của nền tảng Influencer Marketing Factory có trụ sở tại Miami (Mỹ) - cho biết, sự khác biệt là về kỹ thuật cũng như hành vi.

Ông Bogliari nói: "Có nhiều lý do để người tiêu dùng Trung Quốc tham gia mua sắm trực tiếp, bao gồm giảm giá nhiều hơn trong các hoạt động livestream bán hàng, hoặc sợ bỏ lỡ cơ hội mua sắm. Ngược lại, hầu hết các nền tảng ở Mỹ không thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động livestream bán hàng và người bán hàng không có đủ sức hấp dẫn."

Theo SCMP, tại Trung Quốc, những người livestream bán hàng như Li Jiaqi, người được mệnh danh là "Anh chàng son môi số 1", có thể bán được hàng chục nghìn thỏi son chỉ trong 5 phút. Và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm ByteDance, Alibaba, JD.com và Pinduoduo, đang tích cực thúc đẩy mô hình livestream bán hàng trên nền tảng của họ.

Ông Bogliari cho biết, một thách thức khác đối với các công ty Mỹ là khoảng cách công nghệ trong các ứng dụng.

Ông Bogliari chỉ ra rằng, người tiêu dùng Trung Quốc đã quen với việc sử dụng "siêu ứng dụng" chứa một loạt chức năng, cho phép người dùng chuyển từ phần xem giới thiệu sản phẩm sang giao diện thanh toán một cách nhanh chóng. Nhưng nhiều ứng dụng xã hội ở Mỹ lại "không đủ trơn tru với các quy trình này".

Tại sao livestream bán hàng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng lại không hot ở Mỹ - Ảnh 1.

Gần 3/4 số người Trung Quốc được hỏi trong một cuộc khảo sát vào tháng 7/2022 cho biết, họ đã tìm hiểu và mua sản phẩm thông qua hoạt động livestream bán hàng. Ảnh: SCMP

Liệu mô hình livestream bán hàng của Trung Quốc có thể áp dụng tại Mỹ?

Một số người có thể nghĩ rằng, chỉ cần sao chép mô hình livestream bán hàng của Trung Quốc là có thể thành công, nhưng theo trang tin Baijiahao (Trung Quốc), thực tế không đơn giản như vậy. Chúng ta có thể thấy người bán hàng đang "thao thao bất tuyệt" trước màn hình, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ của mô hình livestream bán hàng. Nếu muốn thực sự làm tốt công việc kinh doanh qua phát sóng trực tiếp, còn cần phải giải quyết logic kinh doanh đằng sau nó, đây mới là vấn đề cốt lõi.

Mô hình livestream bán hàng của Trung Quốc chủ yếu được chia thành ba phần: hàng hóa, con người và địa điểm. Trước hết, phần đầu tiên, hàng hóa. Lý do quan trọng nhất khiến hoạt động livestream bán hàng có thể được thực hiện trơn tru là do sản phẩm, nếu không có sản phẩm tốt thì mọi thứ chỉ là lời nói suông.

Hoạt động livestream bán hàng của Trung Quốc có liên quan nhiều đến việc các thương hiệu Trung Quốc có chấp nhận mô hình bán hàng như vậy hay không. Những thương hiệu này sẽ không chỉ tìm những KOL hàng đầu, mà còn có riêng những những KOL độc quyền để thực hiện các hoạt động livestream bán hàng. Các thương hiệu như Proya và Huaxizi ở Trung Quốc đang rất coi trọng việc livestream bán hàng.

Trang tin Baijiahao nhận định, trái ngược với Trung Quốc, hoạt động bán lẻ ngoại tuyến hoặc qua các trang thương mại điện tử ở Mỹ vốn rất mạnh, nên không dễ để hình thành mô hình livestream bán hàng như ở Trung Quốc.

Một lý do rất quan trọng khác khiến các hoạt động livestream bán hàng trở nên phổ biến ở Trung Quốc là do chiết khấu trong các hoạt động này là rất đáng kể, điều này đã tạo ra một số lượng lớn đơn đặt hàng ngay lập tức. Nhưng không có cách nào để các thương nhân ở Mỹ đưa ra các mức giảm giá như vậy, bởi nguồn cung hàng hóa ở Mỹ đơn giản là không đủ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm