Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên, cũng là những giai đoạn của cuộc đời mà ai cũng phải trải qua. Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, các cơ quan trong cơ thể con người cũng sẽ dần suy giảm.
Nam giới thường là trụ cột trong gia đình, gánh trên vai trọng trách rất lớn. So với nữ giới, “cánh mày râu” thường là nhóm người lão hóa nhanh hơn. Các quý ông muốn ngăn ngừa lão hóa và bảo vệ sức khỏe cơ thể cần nhận thức rõ ràng về chức năng của các cơ quan khác nhau.
Người xưa có câu “biết mình biết địch trăm trận trăm thắng”. Khi nắm được tình hình sức khỏe của bản thân, các đấng mày râu có thể chủ động chăm sóc cơ thể để chống lại bệnh tật.
Dưới đây là “bản đồ lão hóa” các cơ quan nội tạng ở nam giới mà ai cũng nên biết.
1. Phổi
Phổi là cơ quan hô hấp chính của cơ thể, có chức năng trao đổi khí và duy trì sự cân bằng của các cơ quan và mô sinh lý khác nhau.
Khoảng sau 20 tuổi, chức năng của phổi sẽ dần dần giảm xuống. Sau 40 tuổi, một số người thể chất yếu sẽ bị thở dốc hoặc gặp một số vấn đề về hệ hô hấp.
2. Bộ não
Có thể nói đây là bộ phận quan trọng trong cơ thể của chúng ta. Bộ não chi phối mọi hoạt động, ngay cả khi chúng ta đang ngủ, bộ não cũng làm việc không ngừng. Cũng giống như phổi, sức khỏe não có xu hướng đi xuống sau những năm 20 tuổi. Minh chứng rõ ràng nhất là số lượng dây thần kinh sọ não của con người sẽ giảm dần sau độ tuổi này.
Đối với những người trưởng thành sau 40 tuổi, số lượng tế bào thần kinh bắt đầu giảm dần với tốc độ 10.000 tế bào mỗi ngày... Ở giai đoạn này, con người sẽ gặp phải các phản ứng sinh lý như suy giảm trí nhớ, rối loạn tứ chi.
3. Trái tim
Trái tim là động cơ hoạt động của cơ thể con người. Khi nam giới bước vào tuổi 40, chức năng tim sẽ bắt đầu suy giảm. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là cung cấp và vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Khi hoạt động của tim bị giảm sút, việc bơm máu đến khắp các cơ quan cũng bị tác động. Đây là lý do tại sao những người sau 40 tuổi dễ mắc bệnh tim mạch.
4. Cơ quan sinh sản
Giai đoạn sung mãn nhất của nam giới rơi vào khoảng 18 tuổi. Khi tuổi càng cao thì chức năng của cơ quan sinh sản sẽ dần suy giảm. Đến tuổi 40, nhu cầu cầu của phái mạnh giảm rõ rệt, lượng testosterone tiết ra giảm dần.
5. Dạ dày
Khi tuổi tác tăng dần, rất nhiều người cao tuổi sẽ xuất hiện các phản ứng bệnh lý như chán ăn, khó tiêu. Đây đều là do chức năng đường tiêu hóa suy giảm. Đến khoảng 55 tuổi, các loại vi khuẩn trong đường ruột của con người sẽ có xu hướng mất đi. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng khiến dạ dày không thể tiết ra nhiều axit tiêu hóa thức ăn như trước.
Sư thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường ruột. Sau 55 tuổi, chức năng của các cơ quan tuyến tụy và tiêu hóa khác cũng không còn hoạt động tốt như trước, xác suất táo bón sẽ dần tăng lên.
6. Thận
Thận là cơ quan chính tạo ra nước tiểu. Sau khoảng 55 tuổi, sức khỏe thận bắt đầu xuống dốc. Đặc biệt, nam giới sẽ cảm thấy thể lực không còn tốt như trước.
Do suy giảm chức năng thận, đàn ông dễ mắc các bệnh về tuyến tiền liệt, đồng thời có các triệu chứng khó chịu ở đường tiết niệu như giảm khả năng nhịn tiểu về đêm, tiểu nhiều lần, tiểu gấp.
7. Gan
Gan là bộ phận làm sạch, giúp cơ thể đào thải và chuyển hóa chất độc. Sau 70 tuổi, gan sẽ bước vào giai đoạn lão hóa. Lúc này khả năng tái tạo và sửa chữa của cơ quan này sẽ dần suy giảm.
Đàn ông có thể làm gì trong cuộc sống hàng ngày để trì hoãn lão hóa?
1. Duy trì tâm trạng tốt
Nếu một người muốn trì hoãn lão hóa thì điều đầu tiên là cố gắng duy trì tâm trạng tích cực. Mỗi người nên học cách tự điều chỉnh tâm trạng, không nên dùng rượu để giải sầu khi không vui.
Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể trò chuyện với bạn bè nhiều hơn, giao tiếp với người nhà, tích cực trau dồi sở thích cá nhân. Chỉ khi tâm trạng thoải mái, cơ thể chúng ta mới có thể hoạt động trơn tru.
2. Uống nhiều nước
Theo "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc" , một người trưởng thành bình thường ít nhất phải đảm bảo lượng nước uống mỗi ngày là 1500-2000 ml. Đây là lượng nước phù hợp nhất để duy trì sức khỏe thể chất, đồng thời có thể làm chậm quá trình mất nước của da.
Một khi cơ thể thiếu nước không chỉ dẫn đến khô da, dễ xuất hiện nếp nhăn mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa của các cơ quan trong cơ thể.
3. Ngủ đúng giờ và dậy sớm
Với sự tăng tốc của nhịp sống ngày nay, áp lực của con người ngày càng lớn, đặc biệt là nam giới có gánh nặng từ công việc, gia đình, xã hội. Tinh thần chịu áp lực cao lâu dài sẽ dẫn đến sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết trong cơ thể, da dẻ xỉn màu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngủ là thời gian tốt nhất để cơ thể thư giãn và thúc đẩy quá trình tiết hormone tăng trưởng. Nam giới muốn duy trì sức khỏe và đẩy lùi lão hóa thì phải hình thành thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Nếu có điều kiện, bạn có thể nghỉ trưa 30 phút.
4. Bổ sung vitamin
Vitamin là chất quan trọng để duy trì nhu cầu sinh lý và hoàn thiện hoạt động của các cơ quan. Cơ thể thiếu vitamin sẽ dễ mắc các loại bệnh mãn tính. Do đó, nếu muốn bảo vệ sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa thì nam giới phải bổ sung thêm các chất này.
Ngoài việc ăn nhiều rau quả tươi, bạn có thể uống viên vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi uống thuốc, mọi người nên chia thời gian uống vitamin cách nhau, không nên uống cùng một lúc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến gan.
Theo Aboluowang