Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý I của Đạm Phú Mỹ bốc hơi hơn 88% do giá bán ure chạm đáy

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) cho thấy doanh thu thuần đạt 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 80% đến từ doanh thu trong nước với 2.619 tỷ đồng, còn lại đến từ xuất khẩu.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp còn 523 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 16%, cùng kỳ năm ngoái là 48,4%.

Trừ đi các chi phí được tiết giảm trong kỳ, DPM lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với mức kỷ lục được thiết lập năm ngoái, đồng thời là mức lãi thấp nhất trong 6 quý trở lại đây.

 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty

 

Công ty cho biết, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán ure giảm 44%) đồng thời giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận quý đầu năm đi xuống. 

Kết quả này đã được SSI Research dự báo trước đó. Các chuyên gia cho rằng, quý I sẽ là quý có lợi nhuận giảm mạnh nhất trong năm của DPM khi giá ure tiếp tục lao đốc. Điều này do ba nguyên nhân, thứ nhất là lượng xuất khẩu urê từ Nga và Trung Quốc phục hồi, thứ hai là nguyên liệu sản xuất urê (khí tự nhiên và than) có xu hướng giảm giá và thứ ba đến từ việc nhu cầu urê có thể suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và giá các mặt hàng nông nghiệp điều chỉnh. 

 

 Giá ure trong hai năm qua. (Nguồn: Trading Economics).

Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. Như vậy sau ba tháng, công ty đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận.

 

 Nguồn: BCTC quý I/2023 của DPM.

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của DPM giảm hơn 1.927 tỷ đồng về 15.771 tỷ, tương ứng giảm 11% so với đầu năm. Nguyên nhân chính do khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng giảm còn 7.308 tỷ, chiếm 46% tổng tài sản. Quý đầu năm, DPM thu về gần 60 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tổng cộng 637 tỷ đồng từ các ngân hàng và khoản vay này chỉ tốn của DPM gần 17 tỷ đồng chi phí lãi vay. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 12.673 tỷ đồng, giảm 10%, tương ứng giảm 1.344 tỷ so với đầu năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm