Khác với những năm trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI (Mã: SSI) xuất hiện trước 1.600 nhân viên của công ty với màn đối đáp với một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo của chính ông.
Cuộc đối thoại xung quanh những vấn đề trọng yếu của SSI trong xu hướng phát triển của tổ chức và của ngành chứng khoán tại Việt Nam: câu chuyện thị phần, sự ưu tiên trong chiến lược phát triển hay những gì vẫn đang còn tồn tại, chưa được thực hiện trong bộ máy doanh nghiệp.
Nhưng nếu theo dõi kỹ, có lẽ đây không đơn thuần là “phép thử” của vị chủ tịch công ty chứng khoán số 1 Việt Nam với một giải pháp công nghệ mới, mà ẩn chứa sau đó có thể là một thông điệp lan tỏa đến những nhân viên trong chiến lược “trường tồn” của họ. Các câu hỏi lần lượt được giải đáp, liệu trí tuệ nhân tạo có thể thay thế được chủ tịch “bằng cơm, bằng gạo”? Những nhân viên trong ngành chứng khoán liệu có bị đào thải? Hoặc, SSI cần làm gì?
Vì sao AI không thể làm chủ tịch, thay thế môi giới?
Đặt vị thế với ngay bản thân mình, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng hỏi phiên bản AI chính ông rằng liệu trí tuệ nhân tạo có thể khiến ông mất việc?
Nhưng rất nhanh chóng, người đứng đầu của SSI đưa ra câu trả lời: “Không, tôi tin rằng là không, ông (phiên bản AI – PV) không thể làm chủ tịch SSI. Nhưng nếu tôi chỉ ỷ vào tôi không thể mất việc, ông không thể thay thế tôi thì bản thân điều ấy làm cho SSI không phát triển được”.
Cơ sở để vị chủ tịch SSI đưa ra đó là phiên bản AI là một bản sao của quá khứ, tổng hợp dữ liệu lịch sử, những gì đã được nghĩ, được nói để có thể tranh luận. Trong khi đó, người lãnh đạo thật luôn luôn phải nâng cao chính mình, mở mang kiến thức. Đối thủ cạnh tranh ở đây không chỉ là những công ty cùng ngành mà còn với chính bản thân họ để mỗi phiên bản của ngày mai luôn tốt hơn hôm nay, hôm qua.
Với những người môi giới cũng vậy, nghề môi giới sẽ không bị mất đi, khi bản thân họ hiểu được sự khác biệt, tốt hơn những phương án khác ở đâu. Phương án được nói đến ở đây có thể là AI, đồng nghiệp từ công ty trong ngành hay thậm chí là đồng nghiệp trong cùng tổ chức.
Trong xu thế mọi yếu tố từ năng lực cạnh tranh đối thủ, nền tảng công nghệ, hệ thống giao dịch đang vận động đi lên, nhân viên môi giới có thể tự đào thải bởi tư duy “giữ việc, giành việc” thay vì làm thế nào để làm tốt nhất, khai thác tốt nhất những nền tảng sẵn có để rồi đạt được những thành tựu tốt nhất.
Nếu mỗi con người không nỗ lực và nâng cấp để trở thành một phiên bản tốt nhất của mình, “không chạy, không cố gắng”, đào thải là tất yếu bởi trong một thế giới phẳng đầy tính cạnh tranh như hiện nay, chưa kể đó là sự đe dọa từ công cụ thay thế như AI.
Từ quan điểm trên để thấy rằng, AI có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực có thể đe dọa bất cứ một vị trí nào trong mô hình tổ chức, có thể từ chủ tịch đến những nhân viên, nhưng chìa khóa để mở vấn đề này không phải ai khác chính là phiên bản tốt nhất của mỗi người. Bởi không thể phủ nhận rằng những gì mà AI có được là những gì mà con người tạo ra.
Ở một góc nhìn khác, cách nói của ông Hưng có thể hàm ý sâu xa, tạo động lực cho hàng nghìn nhân viên của mình nhìn ra sự cạnh tranh rất lớn ngay trước mắt từ phía đối thủ, đồng nghiệp chứ không riêng AI, công nghệ, ngay cả chiếc ghế chủ tịch của ông cũng không phải ngoại lệ.
AI hiểu, nhưng ai là người biết đâu là ưu tiên trong chiến lược tổ chức?
Đặt trong một quy mô tổng quan hơn chính là phạm vi của một tổ chức, dựa trên dữ liệu tổng hợp, thông tin, tin tức, AI biết đâu là những vấn đề, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, cần giải quyết.
Với SSI, trí tuệ nhân tạo hiểu rằng họ đang phải đối mặt với câu chuyện thị phần khi sự gia nhập của những cái tên mới khiến chiếc bánh ngày một chia nhỏ và thực sự cạnh tranh. Nhưng làm thế nào để giải bài toán đó không phải là đơn giản?
Bởi lẽ, chỉ những lãnh đạo - linh hồn của những tổ chức mới biết được rằng đâu là sự ưu tiên cho chiến lược đã đề ra. Thị phần là một tiêu chí quan trọng, song, một doanh nghiệp hiệu quả cần nhiều hơn thế, đó có thể là hiệu quả tài chính, tài sản, uy tín và thương hiệu doanh nghiệp… Tổ chức không thể đánh đổi mọi thứ, quyền lợi cổ đông chỉ để lấy một tiêu chí mà tiêu chí đó chỉ là một thành tố trong một tổ hợp tạo nên vị thế dẫn đầu.
Nhấn mạnh lại việc đuổi chiến lược trường tồn, Chủ tịch SSI một lần nữa cho biết có những thời điểm công ty phải hy sinh lợi ích trước mắt. Nhưng cần hiểu rằng, chiến lược này này chỉ là một sự lự chọn, ban lãnh đạo đưa ra sự lựa chọn, còn việc hiện thực hóa phải cần sự chung sức của tập thể nhân viên.
Như vậy, một lần nữa vai trò của những nhân viên trong tổ chức được khẳng định. Những con người “bằng cơm, bằng thịt” sẽ hơn những AI vô tri vô giác ở văn hóa phụng sự và sự cạnh tranh để ngày một phát triển.
Để rồi đến một cấp độ cao nhất, giống như một cỗ máy, hệ thống tổ chức sẽ tự lựa chọn những con người, tự tạo ra môi trường để những con người gia nhập tổ chức có thể cống hiến và hợp tác cùng hệ thống phát triển.