Rừng cho làng bóng mát, không khí trong lành, nguồn nước không vơi…, đổi lại làng trở thành chỗ dựa vững chắc, bảo vệ cho rừng giáng hương được an toàn. Đặc biệt, rừng giáng hương trở thành “thánh địa bất khả xâm phạm” nhờ người gác rừng từng bốn nhiệm kỳ giữ cương vị chủ tịch xã Ia Kriêng. Ông tên là Rơ Mah Lel, năm nay 64 tuổi, ở làng Lung Prông.
Rừng giáng hương quý hiếm ở làng Grôn. Ảnh: Lê Kiến
Sống chết vì rừng giáng hương
Chỉ cách khu dân cư chừng vài trăm mét, rừng giáng hương làng Grôn sừng sững, tỏa hơi mát trong lành. Ngay ở cửa khu rừng là những cây giáng hương đại thụ to đến hai người ôm. Có cụm, những cây giáng hương mọc chen chúc, san sát.
Kể chuyện về rừng giáng hương, ông Rơ Mah Lel tự hào: “Từ khi tôi nhận bảo vệ rừng giáng hương vào tháng 3-1999 đến nay rừng không mất một cây nào. Nếu không có tôi thì rừng này đã bị xóa sổ từ lâu. Bác Hồ nói “Rừng là vàng, nếu biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” thì mình phải biết bảo vệ cho tốt”.
Ông Lel kiểm tính toàn khu rừng rộng khoảng 3,7 ha, có khoảng 853 cây gỗ giáng hương quý. Ngoài gỗ giáng hương còn có nhiều loài gỗ khác như bằng lăng, cà chít và nhiều loài động vật, thực vật khác. Cây giáng hương to nhất phải đến gần hai người ôm và nhiều cây con đang phát triển.
Ông Lel luôn tự hào mình là người gắn bó lâu năm nhất với rừng giáng hương này. Từ năm 1995 đến 2000, ông làm phó bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng và trải qua bốn nhiệm kỳ liên tục giữ chức chủ tịch UBND xã Ia Kriêng từ năm 2000 đến 2019. Ông chính thức nhận quản lý rừng từ năm 1999.
Đến khi về hưu, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương giao rừng giáng hương cho ông bảo vệ, với cương vị mới là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng giáng hương làng Grôn; tổ có ba người gồm ông, ông Rơ Mah Kem và ông Nguyễn Hữu Mạnh (cả hai đều ngoài 50 tuổi).
“Trước đây, một số lần người dân có ý định xâm lấn nhưng tôi phát hiện, ngăn cản kịp thời. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, người dân không còn ý định xâm hại rừng nữa mà còn tham gia bảo vệ rừng” - ông Lel nói.
Nói về mức độ quý của giáng hương, ông Lel cười: “Gỗ này không quý thì gỗ nào quý nữa. Một khối thôi cũng bán được vài chục triệu đồng. Mặc dù rừng giáng hương giá trị nhưng lâm tặc không dám lăm le rừng này. Họ (lâm tặc) biết tính tôi rồi, thẳng thắn, không thể bị mua chuộc, càng không thể bị đe dọa. Lúc tôi còn làm chủ tịch xã, dân thương, dân nhớ nên nói là bà con tin, nghe theo”.
Rừng giáng hương quý hiếm làng Grôn và ông Rơ Mah Lel, người bảo vệ rừng mấy chục năm nay. Ảnh: LK
Ông Rơ Mah Lel nguyện sống và bảo vệ rừng cho đến khi nào “đôi chân không muốn đi, đôi tay không đủ sức cầm rựa, lội rừng”. |
Đến nay, việc bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của tổ bảo vệ mà toàn dân làng Grôn đều trở thành tai mắt, người giữ rừng cho làng.
Giữ rừng cho mai sau
Tự hào về rừng giáng hương nhưng nhiều lúc người gác rừng Rơ Mah Lel vẫn tỏ ra tiếc nuối. Ông Lel bảo: “Trước đây, vùng này gỗ giáng hương rất nhiều, có những cây đại thụ khổng lồ. Có thời gian công tác quản lý rừng chưa tốt nên lâm tặc khai thác hết những cánh rừng giáng hương. Nếu bảo vệ được đến nay thì giá trị của rừng này sẽ rất quý”.
Từ khi được giao bảo vệ rừng, ông thường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân phải giữ được rừng giáng hương, xem như “báu vật” của làng. Đến nay bà con đã thấm nhuần rồi, trở thành tai mắt, người giữ rừng chung cho làng.
Giờ đây, bảo vệ rừng giáng hương cũng là trách nhiệm của mỗi người và để cho con cháu sau này biết, tự hào về làng mình. Với ông Lel, ông nguyện sống và bảo vệ rừng cho đến khi nào “đôi chân không muốn đi, đôi tay không đủ sức cầm rựa, lội rừng”.
Ông Lel cho biết hiện tại chòi trại để giữ rừng nơi đây đã xuống cấp trầm trọng, điện, nước chưa có nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, trực đêm. Tiền công hỗ trợ còn thấp, mỗi người 2 triệu đồng/tháng.
“Về lâu dài, nơi đây sẽ có nhiều người đến tham quan, du lịch nên cần có những công trình cơ bản như điện, nước, nhà vệ sinh là cần thiết. Tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn để bảo vệ rừng giáng hương” - ông Lel nói.
Anh Trần Thanh Sơn, kiểm lâm địa bàn xã Ia Kriêng (Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ) cho biết: “Đây là rừng gỗ giáng hương nhóm I, rất quý hiếm. Trước thực trạng mất rừng, nhất là những cây gỗ quý mà rừng này bảo vệ được là điều đáng mừng. Có ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ rừng nói chung, còn có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ môi trường… là tài sản vô cùng quý giá cho địa phương”.
Để bảo vệ rừng tốt hơn, lực lượng kiểm lâm ở địa phương thường xuyên tham gia tuần tra, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng. Đồng thời tham mưu cho chính quyền xã Ia Kriêng trong công tác bảo vệ, ngăn ngừa cháy rừng trong mùa khô.
Hiện tại, UBND xã Ia Kriêng đã đóng biển báo chỉ dẫn tại điểm tham quan cho người dân trên địa bàn và du khách khi đến đây xem rừng gỗ quý.
Sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ rừng Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, chia sẻ: “Nói về độ quý hiếm của rừng giáng hương này là số 1 rồi, công tác bảo vệ ở đây rất tốt, người dân tự bảo vệ là chính”. Dự kiến trong vài năm tới, khi rừng cao su của Công ty Cao su 715 hết kỳ khai thác, huyện sẽ đề nghị thu hồi một phần đất để mở rộng phạm vi bảo vệ cho rừng được an toàn hơn. Đồng thời kéo điện, làm lại đường, xây dựng nguồn nước đầy đủ. Qua đó kết hợp với một số mô hình kinh tế dưới tán rừng, vừa bảo vệ rừng vừa có các mô hình kinh tế phát triển du lịch địa phương. |