Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến tháng 7/2023 đạt 18,44 triệu tỷ đồng, giảm gần 327.500 tỷ đồng so với tháng 6/2023. So với thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của các TCTD đã tăng 0,91%.
So với tháng trước, tổng tài sản của nhóm NHTM Nhà nước và NHTM Cổ phần ghi nhận mức độ sụt giảm sâu nhất, lần lượt giảm 157.000 tỷ đồng và 127.200 tỷ đồng, xuống còn 7,5 triệu tỷ đồng và 8,38 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, vào tháng 7, tổng tài sản của nhóm ngân hàng Liên doanh, nước ngoài cũng tụt 47.160 tỷ đồng so với tháng liên trước, xuống còn 1,72 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của các công ty tài chính cũng giảm 6.000 tỷ đồng, đạt 287.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có ba nhóm TCTD là ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng Hợp tác xã ghi nhận tổng tài sản tăng lần lượt 6.500 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trên không thể bù đắt cho sự sụt giảm trong tổng tài sản của nhóm NHTM Cổ phần, NHTM Nhà nước, ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính.
Việc tổng tài sản của các TCTD quay đầu đi xuống diễn ra vào lúc tăng trưởng tín dụng âm so với tháng trước. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản các TCTD) đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6.
Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay sẽ chỉ đạt ở mức khoảng 12 - 13%.