Về động lực tăng trưởng, Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất, lực lượng lao động lành nghề, và là điểm đến của các công ty muốn đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Bất chấp những biến động kinh tế và chính trị toàn cầu, Việt Nam đã trở thành “ngọn hải đăng” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Trong những năm gần đây, Việt Nam được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ và ổn định chính trị. GDP tăng trưởng 8% kể từ đại dịch toàn cầu, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997, được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2023 và 6,9% trong năm 2024, trội hơn một vài quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Những mặt tích cực này chưa được phản ánh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2022. FTSE Frontier Vietnam Index, theo dõi các công ty vốn hóa lớn, vừa và nhỏ niêm yết tại Việt Nam, đã giảm 47,1%. Đà giảm trong năm 2022 được cho là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, cũng như việc thắt chặt lãi suất do lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, động thái kiểm soát tham nhũng của Việt Nam và bắt giữ một số lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Lãi suất cao hơn và cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản đã làm trầm trọng thêm đà lao dốc này.
Quỹ đạo đi lên trong 2023
Chuyên gia của FTSE chỉ ra chính phủ đã triển khai một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy nền kinh tế bao gồm cắt giảm thuế, nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp hành chính nhằm giảm thiểu tình trạng khó khăn trên thị trường bất động sản. Nhờ đó, Việt Nam đang trên đà hồi phục vào năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP quý II/2023 là 4,14%, tăng so với năm trước, cũng vượt mức 3,28% của quý I.
Trong nửa đầu năm, bất chấp biến động của thị trường tài chính toàn cầu, tỷ giá tiền đồng Việt Nam vẫn ổn định nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự phục hồi của ngành du lịch và sự suy yếu của đồng USD.
Từ đầu năm đến nay, FTSE Vietnam 30 Index, bao gồm 30 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn HOSE, tăng 12% (tính theo USD). Con số này đáng kể hơn nhiều so với chỉ số FTSE APAC (3,3%), FTSE Emerging (3,9%), FTSE China A (-3,5%) hay FTSE ASEAN Extended (-1,1%).
Việt Nam cũng đang thu hút được sự chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu. Khi so sánh với các công ty cùng ngành ở thị trường mới nổi, cổ phiếu Việt Nam đã tỷ suất lợi nhuận dài hạn cao hơn so với các cổ phiếu ở thị trường mới nổi khác, cũng như rộng hơn là cổ phiếu toàn cầu.
Chứng khoán Việt ghi nhận tổng lợi nhuận tích lũy trong 10 năm (tính bằng USD) là 107,8%, trong khi các thị trường mới nổi, thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A và thị trường ASEAN mở rộng mang lại lợi nhuận khiêm tốn hơn.
Giống với TTCK chung của Việt Nam, FTSE Vietnam 30 Index tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp. Tổng tỷ trọng của 4 lĩnh vực này lên tới 86,4%, tính đến 30/6. Trong đó, tài chính và công nghiệp là những ngành góp công nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số trong nửa đầu năm 2023.
Hệ số P/E trung bình 12 tháng của FTSE Vietnam 30 Index ở mức 15 lần trong 10 năm qua, và đang là mức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn đang tìm kiếm những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của HOSE, 2022 ghi nhận dòng vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất kể từ đầu đại dịch, đạt 23.000 tỷ đồng.
Nâng hạng TTCK Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các sản phẩm, giải pháp mới cho TTCK và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục và hiệu quả.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) gần đây đã công bố thử nghiệm kết nối này với đợt thử nghiệm chức năng diễn ra trong giai đoạn tháng 6 - 8/2023. Mục đích là để giải quyết tình trạng quá tải hệ thống, điều khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn gần đây. Hệ thống dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 sau 6 tháng chạy thử.
Việc rút ngắn thời gian thanh toán đối với chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2 kể từ ngày 29/8/2022 đang giúp nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao tính thanh khoản của thị trường, từng bước đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam hiện được phân loại là thị trường cận biên và đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell vào tháng 9/2018. FTSE Russell tiếp tục thường xuyên xem xét và theo dõi sự phát triển của Việt Nam để có thể nâng cấp phân loại.
Một hệ sinh thái được xây dựng xung quanh các chỉ số của Việt Nam
Sự hợp tác giữa FTSE Russell và Sàn giao dịch Singapore (SGX) nhằm phát triển toàn diện các thị trường mới nổi, tập trung vào thị trường châu Á, cung cấp sản phẩm phái sinh đa tài sản bắt đầu vào năm 2020. Hai hợp đồng tương lai chỉ số vốn cổ phần của Việt Nam dựa trên chỉ số FTSE Russell đã được ra mắt trên SGX vào năm 2021, giúp nhà đầu tư dễ dàng quản lý rủi ro gắn liền với chứng khoán Việt Nam.
Cùng với hai quỹ ETF FTSE Vietnam 30 (tổng trị giá tài sản quản lý đạt 867 triệu USD tính đến 30/6), một hệ sinh thái đã dần phát triển để mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế khả năng tiếp cận và phòng ngừa rủi ro hiệu quả trên thị trường Việt Nam.
Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu sẽ diễn ra ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính. Hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối rẻ hơn và lực lượng lao động lớn.
Trong nửa đầu năm 2023, một số tên tuổi lớn đã công bố kế hoạch tăng cường hiện diện tại Việt Nam, như nhà sản xuất màn hình BOE của Trung Quốc, nhà sản xuất chất bán dẫn Marvell Technology của Mỹ và gã khổng lồ công nghệ toàn cầu Apple.
Nhiều động lực tăng trưởng tích cực đang tạo ra những “cơn gió” thuận lợi và sẽ tiếp tục củng cố cho sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.
Hai nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện và tháo gỡ cho nhà đầu tư nước ngoài
Ở một diễn biến liên quan vừa diễn ra ngày 29/8, tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác tổ chức , phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề.
Theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng.
Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại hội nghị lần này, đây tiếp tục là hai vấn đề đặc biệt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ; và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết.
Riêng đối vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu.