CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế dự kiến đi lùi lần lượt 7,1% và 8,1% so với thực hiện năm trước, tương ứng đạt 12.000 tỷ đồng và 9.770 tỷ đồng.
Nguồn: Vinamilk
Năm 2021, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 60.919 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ và là năm đầu tiên vượt mốc 60.000 tỷ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm mạnh so với mức 46,4% của năm 2020 xuống còn 42,5% dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% so với năm trước xuống mức 10.633 tỷ đồng.
Tăng trưởng gặp khó nhưng "đại gia" ngành sữa vẫn duy trì đều đặn chính sách cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá cao.
Theo đó, Vinamilk sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 38,5% trong đó công ty đã tạm ứng 2 đợt vào tháng 9/2021 (15%) và tháng 1/2022 (14%). Cổ tức còn lại 9,5% (01 cổ phiếu nhận 9.500 đồng) dự kiến sẽ được chi trả vào ngày 19/8/2022 theo danh sách cổ đông chốt ngày 7/7 trước đó.
Bên cạnh đó, Vinamilk cũng trình cổ đông phương án cổ tức năm 2022 với cùng tỷ lệ 38,5% tương ứng số tiền dự chi hơn 8.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% cùng thời điểm với cổ tức còn lại của năm 2021.
Phần lớn cổ tức hàng năm từ Vinamilk đều chảy về túi cổ đông Nhà nước (SCIC) với 36% cổ phần bên cạnh 2 cổ đông ngoại F&N Dairy Investments và Platinum Victory. Bộ đôi này những năm qua vẫn có một cuộc đua tăng sở hữu "không giống ai" tại Vinamilk khi lặp đi lặp lại điệp khúc đăng ký mua, không mua được, lại đăng ký mua,... với cùng số lượng tương đương nhau.
Trên thị trường, cổ phiếu VNM vừa có nhịp hồi khá tích cực và kết thúc phiên 5/4 tại 80.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 10% so với đáy cuối tháng trước. Vốn hóa tương ứng 168.000 tỷ đồng, vẫn thấp hơn gần 28% so với thời điểm đạt đỉnh 3 năm hồi giữa tháng 1/2021.