Tại Quảng Bình, thời gian qua, thị trường BĐS có tình trạng nóng trở lại, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tổ chức nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chấn chỉnh kịp thời công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn
Tuy nhiên, quá trình đấu giá tại một số địa phương có dấu hiệu tiêu cực khi chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật, có các hành vi quảng cáo, "thổi phồng" dự án khi chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý và kết cấu hạ tầng. Nhiều trường hợp mua đi, bán lại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng nhằm "thổi phồng" giá gây "sốt ảo". Nhiều "cò" đất thậm chí lợi dụng việc này để thổi giá đất xung quanh các dự án tăng lên nhiều lần giá trị thực.
Nhận thấy có các dấu hiệu "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến an ninh - trật tự và công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Bình có những chỉ đạo nhằm ổn định tình hình thị trường bất động sản, ngăn chặn các hành vi làm nhiễu loạn thị trường.
Ngày 4/4, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường quản lý thị trường bất động sản và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn trước tình hình thị trường có nhiều biến động; yêu cầu các sở tăng cường nắm bắt thông tin để xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh có biện pháp ổn định thị trường bất động sản và chấn chỉnh kịp thời công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Tại Bắc Giang, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động làm giá, thổi giá BĐS.
Giá đất nền tại Bắc Giang cũng tăng phi mã trong thời gian qua
Theo đó, UBND các huyện và thành phố trong tỉnh Bắc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động môi giới BĐS của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn.
Đồng thời, cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới, mua bán BĐS không đúng theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư các dự án BĐS phải công khai đầy đủ, chính xác các thông tin về dự án BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định.
“Chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản không được huy động vốn khi chưa đủ điều kiện kinh doanh BĐS theo quy định. Chủ đầu tư ký hợp đồng với các sàn giao dịch BĐS, đơn vị tư vấn bán hàng khi đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS” – văn bản nêu rõ.
Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng vừa có quyết định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn. Trong đó, quy định điều kiện cụ thể được tách thửa đất.
Theo đó, đối với đất ở, UBND tỉnh quy định thửa đất tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông. Cụ thể, tại các phường, thị trấn diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và các thửa đất sau khi tách không nhỏ hơn 40m2; tại các xã thuộc thị xã, thành phố tối thiểu không nhỏ hơn 50m2, tại các xã thuộc huyện diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 60m2…
Trường hợp thửa đất trước khi tách thửa có diện tích bằng hoặc lớn hơn 2.000m2 tại thành phố, thị xã và có diện tích bằng hoặc lớn hơn 5.000m2 tại huyện.
Còn đối với đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản thì diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách bằng hoặc lớn hơn 150m2/thửa.
Đối với đất rừng sản xuất, diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách bằng hoặc lớn hơn 1.000m2/thửa...
Tỉnh Vĩnh Phúc giao công an điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo cơn sốt đất ảo
Tại Vĩnh Phúc, trong tháng 3 vừa qua, trước thực trạng tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu 7 Sở, ngành cùng UBND các huyện, thành phố vào cuộc. Trong đó, Sở Xây dựng không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn.
Sở Xây dựng cũng được giao rà soát, quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản trong tương lai, đồng thời, chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS.
Đặc biệt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc được giao theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “sốt ảo”; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lời.
"Xử lý kịp thời các trường hợp cố tình gây rối, làm mất an ninh trật tự tại địa phương theo quy định"- lãnh đạo Vĩnh Phúc yêu cầu.