Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng tới 15,73% so với cuối năm 2020. Theo đó, đây là năm đầu tiên ghi nhận tiền gửi của các doanh nghiệp vượt qua tiền gửi của dân cư. Trong năm qua, tiền gửi của người dân chỉ tăng 3,08% lên 5,3 triệu tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2020, tiền gửi của người dân đạt 5,1 tỷ đồng, cao hơn so với doanh nghiệp (chỉ đạt hơn 4,87 tỷ đồng).
Đại dịch Covid-19 và nền lãi suất thấp trong 2 năm qua đã khiến cho tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục, trong khi đó các doanh nghiệp lại ưa chuộng gửi tiền vào ngân hàng.
Riêng năm 2021 chứng kiến nhiều tháng người dân rút ròng tiền gửi khỏi ngân hàng, đặc biệt là trong quý 3 khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. Thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng, đồng thời các biện pháp giãn cách cũng khiến khách hàng khó đến ngân hàng để gửi tiền.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính, theo nhiều chuyên gia là đã có sự dịch chuyển dòng tiền, nhiều người không còn "mặn mà" với gửi ngân hàng vì lãi suất quá thấp, 1 năm chỉ được lãi khoảng 6-6,5%/năm.
Thay vào đó, người dân có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại và vẫn đang tăng với tốc độ vũ bão. 2 tháng đầu năm, số tài khoản mở mới đã đạt hơn 405 nghìn tài khoản, lớn hơn cả năm 2020 (hơn 393 nghìn tài khoản). Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,7 triệu, tương đương với khoảng 4,8% dân số.
Trong khi đó, doanh nghiệp lại ngày càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ ngại ngần trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc gửi lượng lớn tiền mặt vào ngân hàng cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng thời chờ khi nền kinh tế phục hồi để tận dụng cơ hội bứt phá.
Bên cạnh đó, bất chấp đại dịch, nhiều công ty, tập đoàn lớn vẫn "ăn nên làm ra" và gửi thêm thêm hàng nghìn tỷ đồng vào ngân hàng trong năm qua. Chẳng hạn số dư tiền gửi của Tập đoàn Masan cuối năm 2021 đạt tới 22.200 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cuối năm 2020. Tập đoàn FPT tăng thêm hơn 9.000 tỷ, nâng tiền gửi lên hơn 26.000 tỷ đồng,…
Việc tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", cộng thêm yếu tố mùa vụ giai đoạn tháng 1 – tháng 2, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu căng thẳng hơn so với trước. Lãi suất liên ngân hàng đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn so với trước, hiện lãi suất qua đêm đã ở trên mức 2,5%/năm. Trên thị trường 1, lãi suất huy động cũng tăng ở nhiều ngân hàng tư nhân khoảng 0,3-0,8 điểm % trong vài tháng qua. Hiện lãi suất cao nhất đã lên 7,6%/năm.
Giới phân tích cho rằng lãi suất có thể đã chạm đáy trong năm 2021. Năm 2022, trước áp lực lạm phát và nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh tín dụng, lãi suất huy động sẽ tăng trở lại.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 1,82%, cao hơn nhiều so với mức 0,66% cùng kỳ năm 2021. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng sẽ tăng khoảng 14% để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Do đó, áp lực huy động tiền gửi trong thời gian tới sẽ hiện rõ.