Công trình đăng trên tạp chí Occupational and Environmental Medicine, ngày 12/5. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ khảo sát dài hạn và chụp MRI để phân tích cấu trúc não của 110 nhân viên y tế, chủ yếu là bác sĩ lâm sàng. Trong đó, 32 người làm việc từ 52 giờ trở lên mỗi tuần. Họ được phân vào nhóm "làm việc quá sức". 78 người còn lại làm việc theo giờ chuẩn.
Kết quả cho thấy những người làm việc quá giờ có sự thay đổi rõ rệt ở các vùng não liên quan đến chức năng điều hòa cảm xúc và kỹ năng xã hội. Cụ thể, thể tích hồi trán giữa bên trái, vùng chịu trách nhiệm về sự chú ý, trí nhớ làm việc và xử lý ngôn ngữ, tăng 19%. Ngoài ra, những vùng não liên quan đến lập kế hoạch, ra quyết định và nhận thức xã hội cũng bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu kết luận, làm việc quá giờ có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc não, ảnh hưởng lâu dài đến khả năng tư duy và sức khỏe tinh thần. Họ kêu gọi cần thêm nghiên cứu chuyên sâu và các chính sách lao động giúp hạn chế tình trạng làm việc kéo dài.

Một người phụ nữ mệt mỏi vì làm việc quá giờ. Ảnh: Pexel
Ruth Wilkinson, đại diện Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (IOSH), cho biết tình trạng làm việc quá giờ đang gia tăng và chiếm khoảng một phần ba gánh nặng bệnh tật liên quan đến công việc toàn cầu.
"Văn hóa làm việc quá sức đã trở thành phần 'chữ nhỏ' trong hợp đồng lao động hiện nay, nơi người lao động bị đặt kỳ vọng luôn sẵn sàng dù ngoài giờ", bà nói.
Khảo sát của YouGov năm ngoái tại Anh cho thấy gần 25% lao động thường xuyên vượt mức 48 giờ làm việc mỗi tuần, ngưỡng tối đa theo quy định pháp luật. Hơn 50% cho biết họ vẫn kiểm tra email và tin nhắn công việc ngoài giờ hành chính.
"Chúng tôi muốn các nhà tuyển dụng minh bạch hơn trong cách đối xử với người lao động và sớm loại bỏ các 'kỳ vọng ngầm' buộc nhân viên phải làm việc quá mức", Wilkinson nhấn mạnh.
Hai nghiên cứu quốc tế khác cũng củng cố mối liên hệ giữa giờ làm việc kéo dài và suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu Whitehall II tại Anh, công bố trên tạp chí American Journal of Epidemiology, theo dõi hơn 2.200 công chức trung niên cho thấy những người làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần có hiệu suất trí nhớ và khả năng tư duy kém hơn đáng kể so với nhóm làm việc theo giờ tiêu chuẩn.
Một tổng quan hệ thống đăng trên Frontiers in Psychology năm 2024 cũng chỉ ra rằng thời gian làm việc dài, căng thẳng nghề nghiệp và làm việc theo ca đều tác động tiêu cực đến vùng não kiểm soát sự chú ý, trí nhớ và cảm xúc, đặc biệt ở các nhóm làm việc trong ngành y tế và dịch vụ xã hội.
(Theo Daily Mail)