Đóng cửa phiên giao dịch 12/5, VN-Index giảm 62,69 điểm (4,82%) còn 1.238,84 điểm, HNX-Index giảm 15,72 điểm (5,26%) về 315,52 điểm, UPCoM-Index giảm 2,35 điểm (2,38%) về 96,44 điểm.
VN-Index giảm 62,69 điểm (4,82%) còn 1.238,84 điểm.
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 18 nghìn tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm nhóm VN30 với 29 mã giảm giá, duy nhất SAB là mã "cứng" nhất khi tăng 0,9%. Với lực đè bán mạnh trong phiên hôm nay, loạt bluechips chịu cảnh nằm sàn như BVH, POW, STB, BID, GVR, SSI, TCB, VPB, VRE, MSN, PLX.
Tương tự diễn biến của thị trường chung, sàn HOSE phiên hôm nay ghi nhận 424 mã giảm giá (trong đó có tới 164 mã giảm sàn), áp đảo so với 39 mã tăng giá và 25 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm ngân hàng hôm nay là tội đồ của thị trường khi hàng loạt mã góp mặt trong nhóm tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.
Ở chiều ngược lại, chỉ có SAB, LGC, BIB tác động tích cực nhất lên thị trường.
Thị trường đã thật sự tạo đáy?
VN-Index ở hai giai đoạn 2018 và 2022 đang có khá nhiều điểm giống nhau.
Đầu tiên là nhịp điều chỉnh, cả hai đều bắt đầu từ tháng 4 và đều bắt nguồn từ thông tin liên quan đến VN-Index có hai năm trước đó tăng rất mạnh. Hai năm tăng liên tiếp với việc hầu hết các nhà đầu tư tham gia thị trường đều thắng đã tạo ra một mặt bằng giá vô cùng cao.
Đỉnh của năm 2018 nhọn nhưng có lẽ đỉnh của năm 2022 sẽ tù hơn bởi quá trình phân phối của năm 2022 bất ngờ hơn rất nhiều so với năm 2018, vùng phân phối của 2022 rộng và dài trong cả tháng.
Năm 2018 và năm 2022, thị trường đều có bước giảm và bước sang thị trường con gấu. Nếu VN-Index không thể hồi được ở vùng này thì rất có thể sẽ có nhịp giảm mạnh nữa trước khi có nhịp hồi lên.
Năm 2018, việc tạo đáy của thị trường rơi vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Tính theo chỉ số tạo đáy của năm 2018 thì VN-Index sẽ về vùng thấp nhất là P khoảng 15. Nếu VN-Index thủng vùng này thì vùng hỗ trợ tiếp theo có thể nhìn ở vùng 1.200. Và nếu kịch bản xấu nữa thì thậm chí thủng cả vùng 1.200 tuy nhiên khả năng xảy là khá thấp.