Ngay sau khi thông tin tỷ phú Elon Musk thâu tóm Twitter được chính thức công bố, đã có những thông tin bóng gió về khả năng nhà sáng lập Tesla sẽ cải tổ lại hệ thống nhân sự, sa thải bớt nhân viên nhằm đem lại hiệu quả hoạt động cho mạng xã hội này.
Nhà khởi nghiệp Heith Rabois, người từng làm việc dưới thời Elon Musk tại Paypal cho biết đã có lần vị tỷ phú này chứng kiến cảnh các thực tập sinh bận tụ tập xếp hàng quanh máy pha cà phê tự động để trò chuyện tại văn phòng của Space Exploration Technologies Corp.
Ngay lập tức, nhà sáng lập Tesla nổi điên và đe dọa sẽ sa thải các thực tập sinh này nếu còn "lười nhác" như thế một lần nữa, đồng thời ra lệnh lắp máy quay an ninh khắp công ty để giám sát.
"Những nhân viên Twitter rồi sẽ bị hối thúc một cách đầy áp lực cho mà xem", ông Rabois nhấn mạnh sau thông tin Elon Musk mua lại Twitter.
Thế nhưng theo hãng tin Bloomberg, câu chuyện Elon Musk có khả năng sa thải bớt nhân viên Twitter là dấu hiệu cho một thứ đáng sợ hơn nhiều: Sự xì hơi của ngành công nghệ.
Thời hoàng kim đã qua?
Hãng tin Bloomberg nhận định sau gần 15 năm bùng nổ, ngành công nghệ đang đứng trước nguy cơ chững lại. Số liệu của Renaissance IPO Index cho thấy giá cổ phiếu của những hãng công nghệ mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã giảm 60% kể từ tháng 10/2021 còn các nhà đầu tư thì e ngại với những dự án mới. Trong khi đó, hàng loạt startup được định giá cao đang gặp khó để gọi vốn và phải sa thải hàng loạt nhân viên.
Việc Elon Musk có thể sa thải nhân viên Twitter cũng là dễ hiểu khi ngay cả những ông lớn như Meta (Facebook) cũng phải giảm tốc đà tuyển dụng của mình vào đầu tháng 5/2022 để hạn chế chi phí. Thậm chí chính bản thân Twitter cũng đã phải sa thải 2 giám đốc nhưng tạm không tuyển dụng thêm để tiết kiệm ngân sách.
Hãng Uber, doanh nghiệp nổi tiếng với việc đốt tiền để mua tăng trưởng cũng đã phải ban hành các chính sách tiết kiệm. Thế rồi hàng loạt các công ty công nghệ nổi tiếng khác cũng tuyên bố cắt giảm nhân viên trong thời gian gần đây sau khi nhà đầu tư không còn mặn mà với những dự án đầy hứa hẹn nữa.
"Những hãng công nghệ nổi tiếng hoạt động tốt thì đang thừa gấp đôi nhân viên so với thông thường, còn những công ty yếu kém thì thừa gấp 4 lần lao động hoặc thậm chí hơn nữa", nhà đầu tư Marc Andreesen, người cho Elon Musk vay 400 triệu USD mua Twitter thẳng thắn chia sẻ.
Những kỹ sư công nghệ vốn là niềm tự hào của toàn ngành trong nhiều năm đã bị truy phủng và trả lương cao ngất, để rồi giờ đây bị chính các công ty tìm cách sa thải bớt để giảm chi phí.
Năm 2014, Cựu CEO Eric Schmidt của Google đã phát hành cuốn sách "How Google Work", qua đó tự hào về việc giữ chân được các nhân tài công nghệ. Vị giám đốc này tranh luận rằng một nhà điều hành giỏi cần phải biết níu kéo được những nhân tài sáng tạo ngay cả khi công ty gặp khó khăn. Tương tự, Facebook cũng có những chính sách cực kỳ ưu đãi cho các kỹ sư công nghệ như khuyến khích họ nghỉ 1 tháng mỗi 5 năm để lấy lại sức hay nới rộng khung thời gian nghỉ ngơi trong đại dịch.
Thế nhưng những quan điểm nuông chiều, chăm sóc và níu chân nhân tài như vậy đã không còn nữa. Hãng tin Bloomberg cho hay những kỹ sư công nghệ từng được tung hô giờ đây đang bị các nhà đầu tư chế giễu là "lũ trẻ gào khóc" khi họ không đem lại hiệu quả công việc tương xứng với chi phí bỏ ra.
Thậm chí, nhiều người cho rằng thái độ làm việc của Elon Musk khi đặt hiệu quả lên trên hết, sẵn sàng sa thải nhân viên mới là điều đúng đắn trong bối cảnh lạm phát cao, chi phí tăng hiện nay.
Ngay sau những tin đồn về việc Elon Musk có thể sa thải hàng loạt nhân viên Twitter, nhà đầu tư David Sacks đã ví von sự tiếp quản của nhà sáng lập Tesla như một mốc đánh dấu phá vỡ rào cản về ánh hào quang quá mức của lao động ngành công nghệ. Hơn thế nữa, ông Sacks còn nhận định những khó khăn mà Twitter đang gặp phải không đến từ chính bản thân cựu CEO Jack Dorsey mà là từ thái độ cưng chiều kỹ sư công nghệ quá mức của nhà lãnh đạo này.
"Có vẻ như chính các kỹ sư công nghệ mới là người điều hành Twitter vậy. Những CEO đang bị chính nhân viên của mình điều khiển và bắt nạt. Twitter có đến 8.000 nhân viên nhưng lại chẳng ai biết thực sự mọi người đang làm gì", ông Sacks nhận định khi cho biết Elon Musk nên sa thải 6.000 người để tiết kiệm chi phí.
Chưa phải dấu chấm hết
Tuy nhiên để nói rằng ngành kỹ sư công nghệ đã hết thời là không chính xác khi các công ty vẫn cần lao động có chuyên môn. Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ bản kế hoạch mà Elon Musk giới thiệu cho nhà đầu tư cho thấy Twitrer sẽ chỉ sa thải khoảng 1.000 nhân viên trước khi tuyển dụng thêm hàng nghìn người nữa.
Rõ ràng với một thị trường lao động thắt chặt như hiện nay thì việc nâng lương để níu kéo nhân viên là điều dễ hiểu. Ví dụ như Amazon đã phải tăng gấp đôi mức lương cơ bản dù giá cổ phiếu giảm nhẹ.
Thế nhưng với các nhà đầu tư, khi giá cổ phiếu giảm còn lạm phát khiến mọi chi phí tăng, việc nâng lương hay tuyển dụng thêm lao động trở thành vấn đề hết sức nhạy cảm.
Như một lẽ tất yếu, những công ty công nghệ lớn (Big Tech) sẽ phải thắt lưng buộc bụng, giảm tiến độ tuyển dụng hay thậm chí sa thải bới các lao động thừa thay vì cưng chiều họ như trước đây.
*Nguồn: Bloomberg