Nhìn từ trên cao, hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo băng qua giữa những rừng cao su, những ngọn núi đá, những cánh đồng Thanh Long... vô cùng đẹp mắt.
Các nhà thầu đang chạy đua từng ngày để khẩn trương hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra. Cả hai tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022. Lúc đó việc đi lại của người dân dịp Tết 2023 chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Đây là nút giao giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Nút giao có quy mô lớn, thuộc gói thầu XL04. Các phương tiện sau này từ hướng TP.HCM sẽ rẽ phải ở nút giao này để đi thẳng ra Phan Thiết, không phải đi đến cuối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dây Giây. Theo đó, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết dự kiến sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng 3 giờ, thay vì hơn 6 giờ như hiện nay.
Nhà thầu đang tập trung thiết bị để tăng tốc thi công. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Chiều dài toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là hơn 99km. Nhìn từ trên cao, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết băng xuyên qua giữa các rừng cao su đi qua các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) rất đẹp.
Tại nhiều đoạn của tuyến này đã thi công bê tông nhựa. Nhà thầu huy động những thiết bị chuyên dùng hiện đại nhất để thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
Tại nút một số đoạn, nhà thầu vẫn đang tất bật thi công đắp nền đường. Sau khi vừa được địa phương cấp phép khai thác mỏ, nhà thầu đã huy động máy móc, nhân lực để thi công ngày đêm. Ban ngày vận chuyển đất về công trường, ban đêm tổ chức lu lèn.
Một mỏ đất tại gói thầu XL03 vừa được tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác để phục vụ cho dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Đây là nút giao giữa cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và quốc lộ 1 tại huyện Xuân Lộc. Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ dòng xe nối đuôi nhau trên quốc lộ 1, còn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang dần lộ diện. Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ chia tải rất nhiều cho quốc lộ 1.
Ở hướng khác, tại khu vực Vĩnh Hảo thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận, các nhà thầu đang phá đá, xẻ núi để mở đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 100km, đi qua địa bàn 4 huyện của tỉnh Bình Thuận.
Mỗi núi đá có khối lượng khoảng 1,6 triệu mét khối đá. Riêng gói thầu XL01 của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 4 ngọn núi cần phải xẻ ra để làm đường cao tốc.
Ở một đoạn của gói thầu XL01 do nhà thầu Công ty Tự Lập thi công, đơn vị đã tổ chức thảm thử bê tông nhựa.
Quá trình thảm bê tông nhựa được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình. Thời tiết nắng tốt cũng là điều kiện để quá trình thảm bê tông nhựa diễn ra thuận lợi và đảm bảo chất lượng.
Theo kế hoạch, cả hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2022.