Hướng đến giáo dục công lập không thu học phí
Bày tỏ ủng hộ chủ trương miễn học phí cho học sinh (HS) công lập cả nước, đồng thời hỗ trợ học phí với HS tại các trường tư thục, dân lập (với mầm non), đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đề nghị cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương. Tránh việc lợi dụng lạm thu các khoản thu khác, kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh HS. "Như vậy mới đảm bảo HS được hưởng chính sách thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác", ĐB Hà nói.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến tại thảo luận tổ
ẢNH: GIA HÂN
ĐB Trương Xuân Cừ (đoàn TP.Hà Nội) cũng đề nghị nếu đã miễn học phí thì các loại phí khác của trường công lập như học thêm cũng giảm tối đa.
ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) thì lo lắng miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng HS chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải trường công. Bà Lan cũng đề nghị cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, tránh chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói, lo lắng HS chuyển từ trường tư sang trường công khi miễn học phí không phải lớn lắm vì hiện nay các trường ngoài công lập chịu khó đầu tư, khẳng định danh tiếng không kém trường công. "Chúng tôi mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt, nên chủ trương bố trí phân bổ các trường công chất lượng tốt ở khu vực ngoại thành, đông dân cư", Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Về việc hạn chế thu các loại phí khác như học thêm khi miễn học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói hiện đã có quy định không thu học phí với 3 đối tượng học thêm. Cùng đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo học 2 buổi/ngày không thu học phí. Bộ GD-ĐT chuẩn bị phương án triển khai từ năm học mới. "Tất cả hướng đến giáo dục công lập không thu học phí", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Về kinh phí, theo ông Sơn, hiện cả nước đã có 10 địa phương miễn học phí. Khoản tiền 30.000 tỉ đồng để thực hiện miễn học phí là đã tính toán cả khoản ngân sách T.Ư cấp bù cho các tỉnh, thành chưa tự cân đối được ngân sách.
Hỗ trợ học phí trực tiếp cho học sinh ngoài công lập
Với chính sách hỗ trợ học phí đối với HS tư thục, dân lập, ĐB Nguyễn Thị Hà đề nghị nghị quyết giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho HS ngoài công lập. Có thể quy định mức hỗ trợ không thấp hơn mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách chi bình quân cho một HS công lập.

ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh)
ẢNH: GIA HÂN
ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho biết, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án chi trả trực tiếp cho HS khối ngoài công lập, tuy nhiên phương án này khiến bà băn khoăn. "Nếu cấp trực tiếp cho người học đối với thành phố thì có thể chuyển khoản cho phụ huynh rất thuận lợi. Tuy nhiên, với những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi thì thực sự gây khó khăn mà còn phát sinh thủ tục hành chính", ĐB Lan Anh nêu.
ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) đề nghị xây dựng thêm cơ chế tạo điều kiện cho các gia đình có điều kiện mà họ mong muốn từ chối khoản hỗ trợ để chia sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với HS ngoài công lập, Nhà nước không nộp thay học phí cho HS, mà sẽ hỗ trợ một phần bằng hình thức cấp trực tiếp cho người học. Phương án này cũng phù hợp trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, với phương án ban đầu là chuyển phần hỗ trợ học phí đến cơ sở giáo dục sẽ không chắc chắn khoản hỗ trợ có được tính đúng, tính đủ vào học phí của HS. "Học phí sẽ thay đổi, điều chỉnh trong từng năm, không ai đi giám sát được việc người ta đã tính đúng tính đủ số tiền Nhà nước hỗ trợ hay không", bà Hoa nói, và cho biết quan điểm của Ủy ban Văn hóa - Xã hội là hỗ trợ trực tiếp theo "đầu trẻ", còn việc thanh toán trong điều kiện số hóa hiện nay không phải vấn đề khó khăn lắm.