Chứng khoán

Khối ngoại giao dịch thế nào khi VN-Index tăng hơn 45 điểm trong tháng 6?

VN-Index tăng 45,01 điểm tương đương 4,19% trong tháng 6 kết thúc tháng ở mức 1.120,18 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 38,5% so với tháng trước, và tăng 77% so với 5 tháng gần đây. 

Dòng tiền tăng mạnh vào cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa vừa vẫn là lớn nhất. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ, ngân hàng, song giảm ở nhóm chứng khoán, dầu khí, điện nước xăng dầu khí đốt.

Thống kê của FiinTrade chỉ ra có 18/19 nhóm ngành cấp 2 tăng điểm trong tháng 6, trong đó tài nguyên cơ bản, bán lẻ, y tế là những ngành tăng điểm mạnh nhất; du lịch & giải trí là nhóm duy nhất giảm điểm.

Quan sát giao dịch ở các nhóm nhà đầu tư, các cá nhân trong nước và tự doanh là bên mua ròng, chiều ngược lại nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước là bên bán ròng.

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HOSE

Nước ngoài tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán ròng giảm mạnh trong tháng 6. (Nguồn: Thu Thảo).

Trong tháng cuối cùng của quý II, khối ngoại bán ròng 364 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 368 tỷ đồng.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 1.952,4 tỷ đồng trong tháng 6. Theo quan sát, cổ phiếu HPG được vẫn dòng tiền ngoại ưu tiên giải ngân trong thời gian gần đây.

Đây là điều khá bất ngờ khi cổ phiếu này từng bị khối ngoại bán ròng liên tiếp trong thời gian dài trước đó. Động thái mua ròng trở lại của NĐT nước ngoài giúp HPG từng bước hồi phục từ vùng đáy dài hạn, đóng cửa phiên 30/6 tại mốc 26.150 đồng/cp, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 là mã SSI của Chứng khoán SSI với quy mô 728,2 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác thuộc nhóm chứng khoán cũng được mua ròng là VND (614,2 tỷ đồng).

Ở nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG và FRT cũng được dòng tiền ngoại giải ngân ròng lần lượt 319,9 tỷ và 257,7 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện như HDG, KDH, HSG, FPT, chứng chỉ quỹ với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM của Vinamilk với quy mô 1.519,3 tỷ đồng. Theo sau đó, mã VPB cũng bị rút ròng 620,1 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã ngân hàng như CTG (306,2 tỷ đồng), BID (248,7 tỷ đồng), TPB (236,1 tỷ đồng).

(Nguồn: Thu Thảo). 

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HNX

Giao dịch trái chiều, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 318 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 6.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội với quy mô 236,1 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã TNG (63,1 tỷ đồng), DTD (42,5 tỷ đồng), CEO (27,7 tỷ đồng), MBS (12,4 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu BVS với quy mô 20,3 tỷ đồng. Những cổ phiếu kế đó lần lượt bị rút vốn là NVB (18,9 tỷ đồng), SD5 (14,6 tỷ đồng), PVS (7,7 tỷ đồng), PTI (5,2 tỷ đồng), …

(Nguồn: Thu Thảo). 

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên thị trường UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp đà bán ròng gần 345 tỷ đồng.

Ở chiều mua ròng, cổ phiếu LTG được NĐT nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 15,5 tỷ đồng. Các giao dịch giải ngân theo sau là MCH (12,6 tỷ đồng), PHP (8,2 tỷ đồng), FOC (7 tỷ đồng), VGT (6,6 tỷ đồng), …

Trong khi đó, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi là tâm điểm bán ròng với gần 122,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BSR và OIL lần lượt bị rút ròng với giá trị 116,9 tỷ và 48,8 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 50 tỷ đồng gồm VTP, SIP, ACV, VEA, MCM, SKV, …

(Nguồn: Thu Thảo). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm