Ngày 30/6, tại Hội nghị sơ kết và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN), Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung cho biết doanh thu hợp nhất đạt 8.703 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt 896,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VIMC đạt 1.555 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt gần 142 tỷ đồng.
Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 65% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu hợp nhất 6 tháng của VIMC tăng 21% và lợi nhuận trước thuế giảm 20%.
Tính riêng quý II/2023, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 5.854 tỷ, lãi trước thuế 1.070 tỷ, lần lượt tăng 48% và giảm 34% so với quý II năm ngoái.
Đại diện tổng công ty cho biết, về phát triển thị trường và hợp tác quốc tế, VIMC đã thu hút 7 service container: 3 tại Cảng Hải Phòng, 1 tại Cảng Đà Nẵng, 1 tại Cảng Sài Gòn, 1 tại Cảng VIMC Đình Vũ, và 1 tại Cảng Nghệ Tĩnh.
VIMC đã phát triển các tuyến container: tuyến Port Klang (Malaysia) – Kolkata (Ấn Độ), tuyến nội địa Ấn Độ Kolkata – Chennail/Kattupalli – Kolkata.
Tổng công ty đã xây dựng dịch vụ chuỗi trọn gói cho khách hàng tại Trung tâm container – Cảng Cần Thơ, Cảng Hải Phòng, Cảng Cam Ranh và Cảng Cần Thơ; đồng thời, phát triển và tăng trưởng doanh thu dịch vụ ngoài bốc xếp tại Cảng Đà Nẵng, Cảng Nghệ Tĩnh và Cảng Cam Ranh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá diễn biến của thị trường tàu hàng khô trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường tàu hàng khô trong năm 2023 sẽ đạt mức 1,5 - 2,5%. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, số lượng tàu đóng mới được giao ở mức cao, sẽ tác động mạnh lên nguồn cung tàu và giá giao ngay sẽ khó có thể tăng trưởng lên mức cao như hồi 2022.
Thị trường tàu container trong nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ diễn biến chậm do số lượng tàu đóng mới được giao mở mức cao (120 chiếc), trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá thấp như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung. Các hãng tàu được cho là sẽ tiếp tục giảm giá cước vận chuyển như trong nửa đầu năm để đảm bảo hoạt động của đội tàu.
Do đó, VIMC sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu và dự báo thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường vận tải biển để có giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo hiệu quả hoạt động vận tải biển không bị giảm sút nhiều so với năm 2022.
Đối với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, VIMC cần có giải pháp cơ cấu lại và khai thác tối đa hiệu quả hoạt động của các cảng biển: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn, các cảng nước sâu khu vực Cái Mép - Thị Vải... để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ logistics mà tổng công ty đã định hướng, VIMC xây dựng phương án, có các cơ chế, chính sách, giải pháp thị trường phù hợp để kết nối các đơn vị thành viên; duy trì cung cấp dịch vụ cho các khách hàng hiện hữu; tiếp cận và từng bước hợp tác với các khách hàng lớn, tiềm năng; cung cấp dịch vụ chuỗi cho các khách hàng là các chủ hàng có khối lượng hàng hóa vận chuyển nội địa và xuất nhập khẩu lớn.
Về hoạt động đầu tư phát triển, Tổng công ty cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, gắn với bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đối với các dự án đang trình xin các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, VIMC bám sát các bộ ngành, cơ quan liên quan để báo cáo, giải trình nhằm sớm đạt được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo các thủ tục được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.