Khoa học

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 5: Từ thần giao cách cảm đến sóng não

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 5: Từ thần giao cách cảm đến sóng não- Ảnh 1.

Ngày 6-7-1924, bác sĩ tâm thần Hans Berger đã thực hiện bản ghi điện não đồ đầu tiên - Ảnh: YouTube

Đóng góp to lớn của ông cho y học hiện đại bắt nguồn từ quá trình nghiên cứu hiện tượng thần giao cách cảm.

Cơ chế nào từ bộ não dẫn tới thần giao cách cảm?

Trong bài đăng trên tạp chí khoa học Science News (Mỹ), TS sinh học phân tử Laura Sanders kể rằng vào năm 1893, sinh viên toán Hans Berger (19 tuổi) tại Đại học Jena (Đức) đăng ký tham gia đội kỵ binh trong thời gian một năm. Trong một lần tập trận, bất ngờ Berger bị ngã ngựa trong lúc cỗ xe ngựa kéo khẩu pháo hạng nặng đang phăm phăm lao tới. Berger kinh hãi nằm dưới đất bất lực nhìn cỗ xe.

Lúc đó ở cách xa nhiều km, em gái Berger chợt có cảm giác chuyện không lành xảy đến với anh trai nên khăng khăng đòi cha phải gửi ngay điện tín hỏi thăm. May mắn thay, do phản xạ nhanh nhạy của người điều khiển cỗ xe kéo pháo nên Berger được toàn mạng và chỉ bị vài vết bầm.

Ông tin rằng bằng cách nào đó ông đã truyền suy nghĩ về nỗi sợ chết đến người em gái ở xa, vì thế ông bắt đầu hành trình giải đáp câu hỏi: Làm thế nào suy nghĩ có thể di chuyển từ người này sang người kia?

Trở về trường, ông bỏ toán học để chuyển sang học y và sinh lý học. Ông không cố tái hiện lần trải nghiệm thần giao cách cảm của người em gái mà chỉ muốn tìm hiểu cơ chế nào từ bộ não cho phép phát ra sức mạnh tiềm ẩn dẫn đến thần giao cách cảm.

Nỗi ám ảnh về thần giao cách cảm đã đưa ông đến đỉnh cao của khoa học thần kinh. Ông miệt mài chứng minh thần giao cách cảm hoạt động như thế nào bằng cách xem xét lưu lượng máu và nhiệt độ não trước khi đưa qua dòng điện.

Bước đột phá của ông đã đến vào ngày 6-7-1924. Trong lúc nghiên cứu bệnh nhân K. bị chấn thương sọ não, ông sử dụng bộ khuếch đại ống chân không để tăng cường tín hiệu điện và phát hiện ra sóng não.

Năm 1929, ông công bố kết quả nghiên cứu gồm 14 bài cùng tựa đề "Về đo điện não đồ con người" (Über das Elektrenkephalogramm des Menschen) được đánh số từ 1 đến 14. Điện não đồ sử dụng các điện cực để đo hoạt động điện của não phát ra từ da đầu.

Nhà nghiên cứu điện sinh lý Edgar Adrian (giải Nobel sinh lý học/y khoa năm 1932) ở Đại học Cambridge (Anh) hoài nghi phát hiện của ông và làm lại thí nghiệm nhưng cuối cùng đã xác nhận kết quả.

Vào cuối đời, Berger thừa nhận không thể giải đáp được câu hỏi "cơ chế nào từ bộ não dẫn tới thần giao cách cảm?" bởi ông cho rằng trong tai nạn ngã ngựa của ông, sóng não không phát đủ xa để đến có thể đến được em gái của ông.

TS Caitlin Shure (Mỹ) nhận xét: "Vấn đề tồn đọng từ thế kỷ 19 là ý tưởng cố giải thích các trường hợp thần giao cách cảm". Bà giải thích hiện nay công nghệ đã giữ vai trò kết nối không dây giữa các bộ não và đưa chúng ta đến gần hơn với những thứ tương tự như thần giao cách cảm.

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 5: Từ thần giao cách cảm đến sóng não- Ảnh 2.

Hầu hết nỗ lực thực hiện năng lực thần giao cách cảm đến nay chưa đạt kết quả vì phải cần đến máy móc - Ảnh: APA

Chỉ có thể nhờ máy móc để truyền sóng não

Ngày 28-3-2014 có lẽ đi vào lịch sử là ngày mà các tín hiệu đầu tiên tương tự thần giao cách cảm được truyền thành công giữa hai người ở cách xa nhau 8.000km.

Người phát tín hiệu trong phòng thí nghiệm tại Thiruvananthapuram (thủ phủ bang Kerala của Ấn Độ) và người nhận tín hiệu ở Strasbourg (Pháp). Thí nghiệm do các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha (Đại học Barcelona), Pháp (Công ty Axilum Robotics) và Mỹ (Trường Y Harvard) thực hiện.

Theo tạp chí Yale Scientific (Mỹ), nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ đã biết về giao diện máy tính - não (brain computer interface). Hai người ở Pháp và Ấn Độ đều đội mũ bảo hiểm có gắn các điện cực nhạy với sóng điện từ do não phát ra (các điện cực có kết nối với Internet). Người phát ở Ấn Độ suy nghĩ một tin nhắn đơn giản là lời chào "hola" (tiếng Tây Ban Nha) và "ciao" (tiếng Ý).

  • Thần giao cách cảm có thật?

    Thần giao cách cảm có thật?ĐỌC NGAY

Nhóm nghiên cứu dùng máy tính ghi lại tín hiệu não của người ở Ấn Độ và chuyển hoạt động não thành xung điện (mỗi lần não suy nghĩ, mạng lưới thần kinh sẽ phát ra một lượng sóng điện từ nhất định). Sóng não này sau đó được mã hóa dưới dạng tín hiệu số rồi chuyển qua Internet đến người nhận ở Pháp theo phương pháp "giao tiếp não - não không xâm lấn". Cuối cùng người nhận ở Pháp đã giải mã được tin nhắn.

Đây là lần đầu tiên suy nghĩ có ý thức được truyền trực tiếp giữa hai cá nhân. TS điện thần kinh Giulio Ruffini (Mỹ) nhận xét: "Đây là lần đầu tiên một người biết người khác đang suy nghĩ gì một cách trực tiếp". Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là cách truyền tải tin nhắn theo phương thức thần giao cách cảm. Tất nhiên thí nghiệm về thần giao cách cảm này cần được máy móc hỗ trợ và chỉ hoạt động một chiều.

Các nhà khoa học cảnh báo không nên hiểu giao tiếp giữa não - não là thần giao cách cảm hoặc kiểm soát tâm trí. Lý do: thần giao cách cảm là trao đổi thông tin không qua tương tác vật lý nào (không dùng máy móc).

Tóm lại, như TS khoa học thần kinh Matt Johnson (Mỹ) nhận xét, nỗ lực khám phá thần giao cách cảm dưới góc độ khoa học đã thất bại. Một thế kỷ sau bác sĩ tâm thần Hans Berger, không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh có khả năng thần giao cách cảm.

Các nhà khoa học chưa bao giờ có thể tái hiện năng lực thần giao cách cảm trong phòng thí nghiệm. Nhiều thí nghiệm đã được thực hiện theo kịch bản như sau: đưa cho A một con số từ 1 đến 100 và hướng dẫn A giao tiếp bằng thần giao cách cảm con số đó với B ở phòng bên cạnh. Rốt cuộc dự đoán của B cũng tương tự với kết quả dự đoán theo cách ngẫu nhiên.

Về mặt vật lý, không có bộ phận nào trong não có khả năng hoạt động như máy phát hoặc máy thu giao tiếp từ xa. Năng lượng điện từ của não cũng không có khả năng chuyển tải thông tin.

Như vậy trong khuôn khổ vật lý cổ điển, thần giao cách cảm là điều không thể có. Cuối cùng nhiều nhà khoa học vẫn để ngõ khả năng tồn tại của phương thức giao tiếp thần giao cách cảm. Tóm lại, hiện nay bạn vẫn không thể trao đổi suy nghĩ với người khác trừ khi đồng ý đội chiếc mũ bảo hiểm gắn đầy điện cực.

Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 5: Từ thần giao cách cảm đến sóng não- Ảnh 4.

Người phát tín hiệu ở Ấn Độ (trái) phát tín hiệu suy nghĩ chuyển qua Internet đến người nhận ở Pháp - Ảnh: PLOS One

Cuộc đời tiếp theo của bác sĩ tâm thần Hans Berger là một câu chuyện đáng buồn. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị đuổi khỏi vị trí nghiên cứu tại Đại học Jena (Đức) và bắt buộc phải làm công việc không liên quan gì đến nghiên cứu trong viện dưỡng lão. Ông cho rằng chắc chắn ông đã mắc bệnh tim, nhiễm trùng và trầm cảm nên tự tìm đến cái chết vào năm 1941. Năm trước đó Edgar Adrian đã đề cử ông cho giải Nobel về sinh lý học/y khoa, nhưng năm đó không có giải thưởng nào được trao.

************

Một bé gái 12 tuổi mất tích trên đường đi học về nhà. Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong rừng. 16 tháng sau, cảnh sát đã nhờ nhà ngoại cảm Nancy Myer hỗ trợ truy tìm hung thủ.

>> Kỳ tới: Thám tử tâm linh hỗ trợ phá án

Cùng chuyên mục

Đọc thêm