Giáo sư Phan Văn Trường là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị, đàm phán quốc tế. Giáo sư là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công - 1990, Bắc đẩu bội tinh - 2006), và được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" (2010).
Giáo sư từng làm lãnh đạo tại các tập đoàn như Alsthom Power, Alstom Transport, Suez, Lyonnaise-BOT, Wah Seong. Ông từng làm việc ở nhiều lĩnh vực như: Kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước đô thị và dầu khí. Giáo sư đã đi qua 80 quốc gia, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD.
Giáo sư Phan Văn Trường cũng là tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng, như: Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường, Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ…Năm 2019, Giáo sư Phan Văn Trường thành lập hệ sinh thái “Cấy nền”, nơi thảo luận và chia sẻ các đề tài về khởi nghiệp, thương thuyết, quản trị, kiến tạo phong cách “công dân toàn cầu”.
GS từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD. Ở tuổi 78, giáo sư vẫn luôn giữ nhiệt huyết với các hoạt động khuyến học, truyền "lửa" cho các bạn trẻ. Trong các hoạt động của Hệ sinh thái Cấy Nền, Giáo sư thường chia sẻ những bài học giá trị, lời khuyên cho những người tham gia.
Trên kênh Cấy Nền Radio, giáo sư Phan Văn Trường từng chia sẻ về những áp lực thi cử và đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.
Giáo sư nhớ lại những kỳ thi mà mình đã từng trải qua ngày xưa, cũng rất áp lực. Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ: “Mỗi lần mà tôi nghĩ về những kỳ thi ngày xưa của tôi ấy, giờ này cũng chảy cả nước mắt ra đấy! Là bởi vì...khiếp quá. Mỗi lần thi thì khiếp quá, mình bị áp lực. Cái áp lực của kỳ thi đó, kỳ cục lắm!
Thứ nhất là trước khi vào phòng thi ấy, thì mình rất là run sợ bởi vì mình không biết là “Mình có trúng tủ hay không?”. Thôi, mình nói thật với nhau đi. Chúng ta toàn học tủ thôi mà! Không trúng tủ thì là khốn (khó) đấy! Thế nhưng mà đến khi vào phòng thi rồi ấy mà, biết cái đề bài rồi ấy thì thấy là mình không trúng tủ. Thế là mình luống cuống 15 phút, bảo rằng là “bây giờ mà mình giống như cái người đang ở giữa đại dương ấy mà, mà không có tay chèo thì thôi rồi”. Thế rồi sau đó, mình cũng lại cố vặn cái trí óc của mình ra, rồi mình cũng suy nghĩ, viên ra một vài cái gì đấy. Rồi cái áp lực của kỳ thi, nó đã đến lúc kết quả.
Đứng trước cái bảng, ngày xưa ấy, vào cái tuổi của thầy đấy thì chỉ có cái bảng, có một người người ta cầm cái bảng ra, có những tờ giấy trắng, để tên và điểm thi, người ta đặt cái bảng trước cửa trường. Lúc đó, mấy trăm người xô nhau, vào tìm tên của mình. Vài phút sau, có những người đứng ở gốc cây và khóc. Và cũng có người giơ tay lên giống như trận bóng đá mà vừa mới thắng. Thế thì bạn ạ, cái áp lực kỳ thi nó gớm lắm!”.
Mỗi kỳ thi, dù áp lực, căng thẳng là vậy nhưng theo giáo sư Phan Văn Trường, kết quả của một kỳ thi không thể thay đổi cuộc đời mình, mà là cơ hội để nhà trường đánh giá mình tạm thời trong một thời điểm tạm thời. Dưới góc nhìn của mình, giáo sư cho rằng, nhiều người thi đậu chưa chắc đã thành công hơn người không thi đậu.
“Nhưng mà bạn ạ, đến khi mà đến cái tuổi của thầy rồi, thì mình mới tự hỏi rằng là: Thi để làm gì nhỉ? Tôi thấy rằng là, ngày xưa ấy mà, mình lại cái “kính chiếu hậu” của cuộc đời. Mình thấy được tất cả những người, người ta đã từng thi đậu, rồi rút cục ra, họ cũng chẳng thành công hơn cái người không thi đậu. Thế thì, các bạn ạ! Thi thì vẫn thi nhé! Mà áp lực thì vẫn áp lực nhé! Tôi không rút được bớt áp lực đi đâu! Nhưng mà phải nhớ một điều, là: Một kỳ thi, kết quả thế nào chăng nữa, nó cũng không thay đổi cuộc đời của mình đâu! Nó chỉ là một cơ hội để nhà trường đánh giá mình tạm thời trong một thời điểm tạm thời đó thôi! Thế thành ra, đừng lo nhé! Cứ thi đại đi, rồi ra sao thì kệ nó! Rồi xong cuộc đời nó sẽ trôi chảy theo một cái chiều hướng hoàn toàn khác”, Giáo sư Phan Văn Trường nói.
Nguồn: Cấy Nền Radio