Theo báo cáo của chuyên mục "Jingshi Live" của Hồ Bắc Jingshi do 8World đưa tin lại, cô Liang đến từ Vũ Hán, Trung Quốc đã nhiều lần phải phẫu thuật bong võng mạc do cận thị cao 30 độ, gây biến chứng tăng nhãn áp. Cuối cùng, các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ nhãn cầu của cô.
Do bị cận thị nặng, kính của cô dày tới 1,2 cm.
Cô Liang nói: "Khi đi lên cầu thang, đôi khi tôi sẽ vấp ngã vì không nhìn rõ. Đi bệnh viện cũng không giúp được gì nhiều nên tôi chỉ tiếp tục đeo kính".
Cô chỉ bắt đầu phát hiện mình bị cận cách đây 10 năm, khi nhìn thấy một “vật thể lớn” chắn tầm nhìn của mình. Sau đó, cô đã bị bong võng mạc do cận quá nặng.
Phó trưởng khoa phẫu thuật mắt tại một bệnh viện trực thuộc Đại học Vũ Hán, bác sĩ Lu Xiulan, cũng đã nói chuyện với truyền thông địa phương về tình trạng của cô Liang. Ông nói rằng mức độ cận của cô quá cao để có thể đo được bằng thiết bị hiện tại của họ. Họ chỉ có thể tính toán độ cận của cô dựa trên trục mắt.
Độ dài trục mắt của người bình thường vào khoảng 22 đến 24 mm, nhưng trục mắt của cô Liang đã lên tới 35 mm do bị cận thị lâu năm. Nhãn cầu giống như một quả bóng bay bị căng phồng và võng mạc ngày càng mỏng đi. Do đó, chỉ cần cô Liang tác động một lực nhỏ, chẳng hạn như ho hoặc hắt hơi, võng mạc của cô sẽ bong ra.
Trong 10 năm qua, cô Liang đã trải qua 4 ca phẫu thuật sửa chữa võng mạc. Cuối cùng, do biến chứng tăng nhãn áp do ca phẫu thuật mang lại, cô buộc phải cắt bỏ nhãn cầu và lắp mắt giả.
Cách bảo vệ mắt để không bị tăng độ
Khi bị cận thị, bạn phải hiểu cách chăm sóc mắt để không bị tăng độ cận để giữ gìn đôi mắt khỏe mạnh. Theo các nhà nghiên cứu, bệnh cận thị thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính là di truyền hoặc lối sống. Để ngăn ngừa độ cận tăng hoặc hạn chế phần nào tác hại của bệnh đến khả năng nhìn, chúng ta cần biết chăm sóc mắt đúng cách.
Đeo kính đúng độ
Đeo kính chắc chắn là giải pháp đầu tiên mà mỗi chúng ta khi bị cận thị sẽ nghĩ đến và đây cũng chính là cách hữu hiệu nhất để chăm sóc mắt bị cận thị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó chính là phải đeo kính cho đúng với độ của mắt, không được đeo độ thấp hoặc cao hơn vì sẽ rất dễ làm mắt bị mỏi cũng như lên độ nhanh hơn.
Theo lời khuyên của bác sĩ, những người bị cận dưới 0,75 không cần phải đeo kính thường xuyên, cận từ 1 – 2 độ nên đeo kính khi nhìn các vật ở xa. Đặc biệt, các bạn cần đeo kính đúng vào tầm nhìn của mắt, tránh để kính trễ xuống bởi điều đó dễ làm tăng độ cận và khiến mắt bị sụp mí. Ngoài ra người mắc tật cận thị nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để đo độ cận, thay kính theo chỉ định của bác sĩ.
Có thời gian nghỉ ngơi nhất định
Theo như các bác sĩ nhãn khoa khuyên rằng nếu làm việc trước máy tính thì sau khoảng 45 phút nên cho đôi mắt nghỉ ngơi khoảng 5 phút để mắt có thể phục hồi lại, thời gian này tốt nhất là chúng ta đi tới đi lui hoặc nhìn ra ngoài để mắt có thể nghỉ ngơi mà không phải liên tục điều tiết. Ngoài ra bạn có thể áp dụng phương pháp 20:20:20. Cứ 20 phút làm việc thì lại nhìn ra một vật ở khoảng 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.
Thường xuyên đeo kính chống nắng
Thông thường chúng ta cứ nghĩ rằng đã bị cận thì không cần phải đeo mắt kính mát khi ra đường. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm, mắt bị cận sẽ càng dễ bị tổn thương hơn mắt thường bởi ánh nắng mặt trời. Do đó cách tốt nhất đó là chúng ta trang bị cho mình một chiếc mắt kính mát có độ để có thể đi ngoài trời khi nắng gắt.
Bên cạnh tác dụng chống tia cực tím, việc thường xuyên đeo kính chống nắng khi ra ngoài cũng giúp hạn chế khói bụi, hóa chất, dị vật bay vào mắt trong quá trình di chuyển.
Khám mắt định kỳ
Ngoài việc đo lại độ cận, việc khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt khác. Những bệnh mà chúng ta có thể dễ dàng mắc phải như đục thủy tinh thể, nhìn một thành hai (song thị), biến dạng, méo mó vật thể… nếu khám mắt định kỳ sẽ dễ dàng phát hiện và điều trị một cách nhanh chóng. Định kỳ khám mắt với người bị cận thị là 6 tháng một lần.
Bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt
Cung cấp các chất có lợi cho mắt không chỉ ngăn ngừa tình trạng tăng độ cận, mà còn hỗ trợ cải thiện thị giác nữa đó. Các bạn nên chú ý bổ sung nhiều hơn các thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm giàu vitamin A: cà chua, cà rốt, gấc, bí đỏ, lòng đỏ trứng…
Thực phẩm giàu caroten: cải xanh, đậu xanh, khoai lang…
Thực phẩm giàu crom: thịt bò, gan động vật, đậu, nấm…
Thực phẩm giàu canxi: tôm, sò, cua, cá biển, sữa, trứng…
"Luyện mắt" thường xuyên
Tập thể dục cho mắt và massage mắt thường xuyên sẽ giúp cho đôi mắt của bạn đỡ mệt mỏi. Tác dụng của việc này, ngoài giúp cho đôi mắt khoẻ mạnh hơn, ngăn ngừa tăng độ còn giúp cho mắt nhìn đỡ "dại" hơn và không bị sụp mí.
Tham gia các hoạt động ngoài trời
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, một số tia trong ánh sáng Mặt trời có tác dụng kích thích sự hoạt hóa các tế bào nhất định trong mắt. Nó có tác dụng tích cực đối với những người bị cận thận và còn phòng tránh cận thị cho những người chưa mắc. Tất nhiên, đó là khi bạn tiếp xúc với ánh nắng có lợi (thời gian sáng sớm hoặc cuối giờ chiều).
Tạo thói quen tốt khi làm việc với máy tính, sách vở
Để giữ gìn, bảo vệ đôi mắt, ngăn ngừa tình trạng mắt cận tăng số, các bạn cần chú ý tạo cho mình các thói quen tốt khi học tập và làm việc. Giữ khoảng cách an toàn giữa mắt với máy tính/sách vở: 30 – 35cm. Cứ sau khoảng 1 giờ, các bạn nên nghỉ ngơi 5 – 10 phút để đôi mắt được thư giãn.