Một tài khoản Twitter có tên "John Williams" đăng tải dòng trạng thái cho biết anh ta có vé vào sân cổ vũ trong trận tứ kết World Cup giữa đội tuyển Anh và Pháp diễn ra vào ngày thứ Bảy (10/12). Sau dòng thông báo ấy là một loạt các hashtag liên quan đến World Cup được thêm vào để tìm người có nhu cầu mua vé.
"Anh có muốn mua cái nào không?", đó là câu hỏi mà phóng viên tờ The Athletic nhận được khi liên lạc với tài khoản John Williams.
Tuy nhiên, cuộc trò chuyện không tiếp tục diễn ra khi phóng viên nhận thấy ảnh đại diện - một người đàn ông da trắng với mái tóc hoa râm và đeo kính, mặc vest - dường như là một người khác người đang nói chuyện với mình.
Sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược lại, phóng viên nhận ra đó là ảnh của một luật sư di trú người Mỹ, người này không có tên là John Williams.
Vì vậy, tài khoản kia rõ ràng là một kẻ lừa đảo đang lợi dụng "sức nóng" hơn bao giờ hết của World Cup. Tất cả vì mục đích trục lợi bất chính. Sau cuộc trò chuyện với phóng viên tờ The Athletic, kẻ giấu mặt tên "John" ấy xóa bài viết rồi lại đăng tải dòng trạng thái tương tự.
Lừa đảo bán vé trên mạng xã hội là một vấn đề ngày càng gia tăng trong giới bóng đá, không chỉ riêng ở World Cup - giải đấu lớn nhất hành tinh này.
Thực tế, đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng, khi người hâm mộ trên khắp thế giới ráo riết săn lùng những tấm vé để tham dự các trận đấu. Bởi họ không muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc trọng đại nhất trong lịch sử bóng đá của đất nước mình.
Tìm mọi cách để được vào sân cổ vũ cho đội nhà
Lucas Heredia là người hâm mộ đến từ Argentina. Anh đến Qatar để ủng hộ các cầu thủ của nước mình. Nhóm anh có rất đông người cùng nhau đến Qatar xem World Cup, bất chấp khoảng cách xa và chi phí liên quan đến việc di chuyển từ Nam Mỹ đến Trung Đông.
Trong lần bốc thăm đầu tiên, anh không giành được vé xem Argentina thi đấu nhưng giành được một số vé xem các trận đấu của Iran mặc dù anh không có mối liên hệ nào với quốc gia đó.
Dù sao đi nữa, điều đó cũng giúp Lucas đủ điều kiện nhận thẻ "Hayya" - thực chất là thị thực của Qatar cấp cho tất cả những người có vé cần thiết để đến quốc gia này trong thời gian diễn ra World Cup.
Giờ đây, giải đấu đang đi đến giai đoạn kết thúc, chính phủ Qatar nới lỏng các yêu cầu này, có nghĩa là công dân của các nước láng giềng, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi, nơi có cộng đồng lớn người nước ngoài của các quốc gia thi đấu trong giai đoạn cuối, không cần thẻ "Hayya" để vào Qatar.
Lucas nhận được một vé "TST7" để vào khán đài cho Iran. Điều này có nghĩa là anh có 7 vé - bao gồm cả 3 trận đấu vòng bảng của đội tuyển này cộng với trận chung kết, bất kể là đội nào vào.
Có nhiều vé đã được bán từ lâu trước khi vòng chung kết World Cup chính thức bắt đầu nhưng rất nhiều vé vẫn được mua và bán liên tục, trên cả nền tảng chính thức và ở một số nơi khác.
Cổng thông tin chính thức của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) cho biết hiện không còn vé cho các trận đấu sắp tới.
FIFA nói rằng việc "hết vé" không có nghĩa là vé các trận đấu được bán hết sạch, vì có rất nhiều người muốn bán lại. Liên đoàn Bóng đá Quốc tế cũng chỉ ra rằng việc mua vé rồi lại "vắng mặt" là một vấn đề ở bất kỳ sự kiện lớn nào chứ không chỉ ở Qatar.
Nhưng Lucas Heredia khó chịu về điều đó và đổ lỗi cho người dân bản địa vì đã cố giành vé xem các trận đấu nhưng sau đó không tham dự.
Giành vé để xem các trận đấu của Argentina, đối với Lucas mà nói, chẳng khác nào "trận chiến" nhưng bằng cách nào đó anh vẫn xoay xở được với rất nhiều nỗ lực.
Lucas nói với The Athletic, anh đã mua vé thông qua bạn bè và người quen, cũng như các hội nhóm trên Facebook và WhatsApp. Những nhóm ấy được lập ra để giúp người Argentina có mặt ở Doha tìm cách gặp Lionel Messi và đồng đội của anh.
Mặc dù Lucas có một khoảng thời gian tuyệt vời khi được theo dõi đội tuyển quốc gia của mình thi đấu, nhưng anh vẫn chỉ trích cách thức hoạt động của hệ thống bán vé.
Anh gợi ý: "Đối với các quốc gia có lượng lớn khán giả đến World Cup như Argentina hay Morocco lẽ ra các cổ động viên đều có ít nhất một tấm vé chính thức để vào sân xem khi họ có mặt ở Qatar".
Một trong những điều khó khăn đối với các nhà tổ chức là sự chênh lệch lớn về nhu cầu giữa một số quốc gia. Chẳng hạn như Argentina, Mexico và Morocco là những quốc gia đã mang rất nhiều cổ động viên đến giải đấu, các nước khác thì ít hơn.
Vé chợ đen giá "cắt cổ" vẫn cố mua
Mohamed Salad là một nhà báo thể thao người Somali. Anh tham dự một số trận đấu với tư cách cá nhân thay vì dùng tấm thẻ nghề để giành chỗ ưu tiên. Anh mua vé trên nền tảng bán lại chính thức của FIFA.
Anh nói, có một khoản phí 5% cho người mua và người bán, đồng thời cho biết thêm nền tảng này hoạt động khá tốt.
Anh nói: "Bạn có thể nhận được vé cho đến khi trận đấu bắt đầu. Nếu so với thời gian xếp hàng dài, có thể hiểu được, là hình thức mua bán này khá đơn giản".
Ngoài cổng thông tin trực tuyến, Mohamed cho biết đã có một giao dịch bán vé thứ cấp sôi động bên ngoài phòng vé chính, Trung tâm Hội nghị & Triển lãm Doha (DECC).
"Bạn có thể đến tận nơi vào buổi sáng và thử vận may của mình", anh nói. "Nhưng hầu hết giao dịch mua bán đều được thực hiện trực tuyến".
Mohamed cũng giải thích rằng lý do có những chiếc ghế trống trên khán đài là do có những vé được trao cho người dân địa phương, nhưng sau đó họ không tham dự và cũng không bán lại vé.
Ngoài các cách "chính thức" để mua vé thì vẫn còn "lối tắt" mà ai cũng hiểu là thị trường chợ đen. Tất nhiên, giá cao hơn nhiều so với giá của FIFA.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng vé trận tứ kết Anh và Pháp vào thứ Bảy (10/12) đã được bán với giá 5.000 bảng Anh hoặc thậm chí 10.000 bảng Anh.
Vé cho các trận đấu được cho là đã "bán hết" vẫn đang xuất hiện trên các trang web bán lại như Ticombo với giá cao hơn nhiều so với giá gốc. Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng vé trận tứ kết Anh vs Pháp vào thứ Bảy (10/12) đã được bán với giá 5.000 bảng Anh hoặc thậm chí 10.000 bảng Anh.
Những người "phe vé" (hành vi mua vé rồi bán lại với giá "cắt cổ" cho những người thực sự đang cần) dường như không ngần ngại trước lực lượng cảnh sát tuần tra, camera an ninh và luật cấm bán vé chợ đen ở Qatar. Một người bán vé từ Pháp thậm chí cho biết việc này giúp anh kiếm dư tiền để xem trận chung kết.
Người đàn ông giấu tên cho biết anh bán lại vé với mức chênh lệch 1.000% cho "những cổ động viên nhiệt tình nhất", trong các trận đấu có các siêu sao như Messi hay Cristiano Ronaldo góp mặt.Giới chức Qatar thì không "quá cứng rắn" khi xử lý các hành vi bán vé chợ đen. Hầu hết các trường hợp phe vé chỉ bị phạt tiền. Các đại sứ quán ở Qatar chưa ghi nhận bất kỳ vụ giam hay trục xuất công dân nào vì hành vi này.
Tờ The Athletic đã đưa ra một câu kết rằng: "Ở đâu có nhu cầu - và một chiếc ví dày ở đó thường có cách".
Nhưng với tình hình bán vé diễn ra đang làm dấy lên mối lo ngại thực sự về một điều mà không ai, ít nhất là FIFA hay các nhà tổ chức giải đấu tại Qatar, muốn thấy - những chiếc ghế trống trong giai đoạn cuối của World Cup.