Đằng sau động thái bán ròng kỷ lục
Thống kê dữ liệu từ FIDT Research, trong 5 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là mức bán ròng kỷ lục và chưa có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của thị. Chỉ tính riêng tháng 5, khối ngoại đã bán ròng hơn 19.000 tỷ đồng.
Theo FIDT Research, việc khối ngoại bán ròng đã gây ra không ít áp lực cho thị trường. Xu hướng bán ròng của khối này không tập trung vào một doanh nghiệp hay một ngành cụ thể mà thực hiện bán ròng toàn thị trường từ ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… hay các ETF.
Trong đó, các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM), chứng chỉ quỹ FUEVFVND, Masan Group (MSN), VietinBank (CTG), Vincom Retail (VRE), Chứng khoán VNDirect (VND)…
Đi ngược với xu hướng, có một số ít doanh nghiệp có câu chuyện vẫn thu hút được dòng tiền của khối ngoại như Thế Giới Di Động (MWG), Hoà Phát (HPG), Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH)…
Theo ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, Phó phòng Phân tích của FIDT, có nhiều lý do khiến khối ngoại bán ròng mạnh trong giai đoạn này. Về bên ngoài, nguyên nhân chính vẫn là Fed duy trì lãi suất cao dài hơn dự kiến. Lãi suất USD vẫn cao hơn so với VND. Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, điều này khiến cho nhu cầu USD vẫn mạnh.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ đang trong xu hướng tăng giá bởi sự hỗ trợ từ các thông tin tích cực của sức khoẻ nền kinh tế hay kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ đã thu hút dòng vốn quay trở lại Mỹ cũng là nguyên nhân cho sự rút ròng của khối ngoại.
Với tình hình trong nước, áp lực đến từ việc các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nhóm Hàn Quốc bắt đầu hiện thực hóa và chuyển lợi nhuận về nước trong dịp đầu năm và nhu cầu USD cao cho nhập khẩu đã dẫn đến VND mất giá tương đối cao so với USD.
Đến nay, giá VND đã mất giá khoảng 5%, điều này có nghĩa là nếu vừa đổi từ USD sang VND hồi đầu năm, các nhà đầu tư ngoại đã phải mất 5% chi phí chỉ để chuyển đổi ngược lại thành USD mà chưa cần biết đến kết quả đầu tư có được lợi nhuận không. Do đó, để tối ưu hóa lợi nhuận, dòng vốn ngoại sẽ cân nhắc hạn chế giải ngân hoặc thậm chí rút vốn, như chúng ta đã thấy từ đầu năm đến nay.
Tại một talkshow ngày 22/5, theo ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, khối ngoại đã bán ròng 2 - 3 năm nay. Lý do cơ bản nhất là mặt bằng lãi suất tại Mỹ cao, duy trì thời gian dài, thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Không chỉ Việt Nam, khối ngoại cũng bán ròng ở nhiều thị trường mới nổi và cận biên. Tuy nhiên, khi thị trường Việt Nam xuất hiện những nhịp giảm sâu, khối ngoại đã quay lại mua ròng ngay.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho biết trong giá trị bán ròng từ đầu năm, nhóm cổ phiếu “họ Vin” chiếm khoảng 45%, kế đến là MSN và VNM khoảng 30%, các ETF chiếm khoảng 20%. Chỉ ba nhóm này đã chiếm tổng cộng khoảng 95%. Phần lớn lượng bán ròng đến từ giao dịch thỏa thuận, còn lại đến từ xu hướng chuyển dòng vốn do chênh lệch lãi suất nêu trên.
Bao giờ dòng tiền ngoại sẽ trở lại?
Nhà phân tích của TCSC nhận thấy hướng bây giờ là đầu tư vào công nghệ, đổi mới... trong khi Việt Nam, hay cả Đông Nam Á (ngoài Singapore) đang có rất ít doanh nghiệp như vậy. Triết lý đầu tư thay đổi cũng làm dòng tiền chảy về các nước phát triển, điển hình là Mỹ.
Xét về ảnh hưởng, theo ông Trung, vào nhiều năm trước, khối ngoại chiếm khoảng 20% giao dịch thị trường, dẫn đến ảnh hưởng đáng kể diễn biến. Tuy nhiên gần đây, con số này chỉ còn khoảng 5-6%, dẫn đến tác động không còn lớn, và nhóm này cũng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu doanh nghiệp lớn, không lan ra toàn thị trường.
Về thời điểm quay lại của khối ngoại, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Khối phân tích cá nhân của Công ty Chứng khoán Maybank cho biết theo dự báo mới nhất, Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Ông Lâm cho rằng khi Fed có những động thái đầu tiên về giảm lãi suất có thể là tín hiệu quay lại của khối ngoại.
Mặt khác, về câu chuyện nâng hạng, chuyên gia của Chứng khoán Maybank nhận định đây là câu chuyện dài hạn hơn, có thể vào tháng 3/2025 hoặc tháng 9/2025 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE chấp thuận. Đây cũng là yếu tố để kỳ vọng khối ngoại gia tăng mua ròng trở lại vào cuối năm nay.
Quan sát của FIDT Research, giá dầu giai đoạn này đang giảm nhanh. Từ tháng 4 đến đầu tháng 6 giá dầu Brent đã giảm hơn 14% và PCE (chỉ số đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng chi tiêu) (so với cùng kỳ) tháng 4 vừa công bố cũng phù hợp với dự báo là 2,7%.
Kỳ vọng số liệu lạm phát tháng 5 sẽ công bố vào 12/6 tới sẽ tích cực hơn. Qua đó, Fed sẽ có ít động lực để duy trì lãi suất cao hơn từ đó giúp tỷ giá hạ nhiệt trong thời gian tới. FIDT Research dự báo áp lực từ khối ngoại sẽ giảm bớt trong tháng 6 và ổn định hơn trong giai đoạn cuối năm.
Nếu xét về dài hạn, với nội tại của nền kinh tế, mức định giá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, cũng như sự quan tâm của Chính phủ với thị trường chứng khoán, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp) trong dài hạn.
Trong khi thị trường chờ đợi thời điểm dòng tiền ngoại đảo chiều, nội khối đóng vai trò "cân lệnh". Bất chấp áp lực xả hàng liên tiếp từ khối ngoại, thị trường chứng khoán vẫn hồi phục khả quan trong tháng 5. Đóng góp của các nhà đầu tư cá nhân giữ vai trò quan trọng khi khối này là bên mua ròng duy nhất cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.