Kể từ 3/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa 9 mã cổ phiếu UPCoM vào diện đình chỉ giao dịch.
Các mã cổ phiếu này bao gồm: CTCP Damac GLS (mã: KSH); CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã: NHP); CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (mã: PSG); CTCP Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (mã: DPS); CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (mã: PVA); CTCP Sông Đà 1.01 (mã: SJC); CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (mã: CLH); CTCP Tổng Bách Hóa (mã: TBH) và CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI).
Nguyên nhân được HNX đưa ra là do các công ty trên không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, phần lớn các tổ chức chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm đã được kiểm toán của các năm 2021, 2022, 2023 với HNX.
Trong số các mã cổ phiếu bị đình chỉ nói trên có sự xuất hiện của một số doanh nghiệp bất động sản từng một thời vàng son.
Sông Đà 1.01
Như trường hợp của Sông Đà 1.01, được thành lập từ 2003, tiền thân là Xí nghiệp Sông Đà 1.01 thuộc CTCP Xây dựng Sông Đà 1. Giai đoạn 2007 - 2012 được coi là những năm bùng nổ của doanh nghiệp nhờ việc trúng hàng loạt gói thầu thi công lớn của Tập đoàn Sông Đà và nhiều dự án khác.
Từ 2013, Sông Đà 1.01 chuyển sang đầu tư bất động sản với hai dự án là chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê, cùng với đó là một dự án phân khúc cao cấp là Hanoi Landmark 51. Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (tên cũ là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Sông Đà 1.01 được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2007. Giữa năm 2021, SJC bị huỷ niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp từ 2018 - 2020 và buộc phải xuống sàn UPCoM.
Cuối năm 2022, Sông Đà 1.01 bất ngờ tổ chức họp ĐHĐCĐ và bầu HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, trong đó có sự xuất hiện của ông Phạm Khánh Phương (ca sỹ Khánh Phương). Bà Vũ Thị Thúy - vợ ông Khánh Phương đồng thời được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Ban lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 đã công bố ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng tái khởi động dự án Hanoi Landmark 51 và giải quyết những khó khăn tồn đọng bên trong. Tính đến cuối quý IV/2022, nợ phải trả của công ty là 1.549 tỷ đồng, gấp 16,4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó vay nợ ngắn hạn chiếm 527 tỷ đồng.
Khoảng thời gian sau đó, Sông Đà 1.01 gặp nhiều biến cố.
Giữa năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phạt ông Nguyễn Khánh Phương với các hành vi không chào mua công khai theo quy định, không báo cáo giao dịch khi là cổ đông lớn, không báo cáo giao dịch khi có thay đổi vượt ngưỡng 1%.
Tháng 8/2023, ông Phạm Khánh Phương, đã thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Đà 1.01. Đến tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thúy.
Cotec Land
Năm 2005, Nhà máy Coterraz - Công ty Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (Cotec) thuộc Tổng công ty Vật liệu Xây dựng Số 1, chính thức được cổ phần hoá, lấy tên Cotec Land với vốn điều lệ 10,7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2009 - 2010, Cotec Land đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản với nhiều dòng sản phẩm như chung cư, đất nền, nhà liên kế, tòa nhà văn phòng. Giai đoạn 2011 - 2012, doanh nghiệp này tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và những năm sau đó làm tổng thầu xây lắp công trình...
Tình trạng xuống dốc của Cotec Land nổi lên từ năm 2019, sau khi công ty công bố báo cáo bán niên sau soát xét với khoản lỗ khủng 110,5 tỷ đồng trong khi tại báo cáo tự lập vẫn có lãi 4,4 tỷ đồng. Do đó, năm 2019 là năm đầu tiên Cotecland báo lỗ sau thuế gần 209 tỷ đồng.
Sau thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh, tháng 11/2019, cổ đông lớn của doanh nghiệp liên tiếp thoái vốn, bao gồm cả quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Non Ucits). Đến giữa tháng 12/2019, công ty mẹ là Cotec tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 11,59 triệu cổ phiếu CLG, tương ứng 54,799% vốn điều lệ nhưng không thành công.
Năm 2020, Cotec Land liên tiếp vi phạm về công bố thông tin và đã nhiều lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính các quý, báo cáo soát xét bán niên. Năm 2021, HOSE đã ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu CLG.
Danh mục dự án bất động sản của Cotec Land có thể kể đến như căn hộ giá rẻ Orchid Park hay Khu dân cư Phú Xuân và 3 trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP HCM.
Tổng Bách Hoá
Tổng Bách Hoá tiền thân là Tổng Công ty Bách Hoá trực thuộc Bộ Công thương thành lập vào năm 1954, cổ phần hoá từ năm 2004.
Trên thị trường bất động sản, Tổng Bách Hóa được biết đến với ba dự án với tổng mức đầu tư trên 2.740 tỷ đồng, bao gồm: Khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi, Hà Nội (Tổng kho 6); tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tại 15 Bích Câu, Hà Nội và dự án nhà ở tại số 23 Điện Biên Phủ, Hải Phòng.
Từ năm 2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu chi phối Tổng Bách Hóa với tỷ lệ sở hữu cổ phần 76,7%. Tháng 8/2019, nhóm cổ đông Tân Hoàng Minh đã đề cử ông Mạnh Hoàng Thao tham gia vào HĐQT và HĐQT đã bổ nhiệm ông Thao làm Chủ tịch Tổng Bách Hóa kể từ ngày 16/8/2019.
Tính đến ngày 31/8/2020, Tổng Bách Hóa còn nợ quá hạn tại ba ngân hàng với tổng nợ gốc quá hạn khoảng 97,4 tỷ đồng và dư nợ lãi tạm tính 71 tỷ đồng.
Năm 2021, CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh - một thành viên khác của Tân Hoàng Minh đã chi 900 tỷ đồng mua 90 triệu cp do Tổng Bách Hóa phát hành. Số tiền này dùng để tất toán các khoản công nợ phải trả và phát triển các dự án của Tổng Bách Hoá.
Năm 2022, UBCKNN đã ban hành quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán của đơn vị thực hiện kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2021 của Tổng Bách Hóa. Doanh nghiệp còn nhận được quyết định cưỡng chế thuế gần 61,7 tỷ đồng từ Cục thuế TP HCM.
Cũng trong năm 2022, Tổng Bách Hoá chậm công bố báo cáo tài chính quý II cũng như báo cáo tình hình quản trị bán niên, doanh nghiệp lý giải là bởi Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động liên quan, trong đó có việc hoàn thành nghĩa vụ báo cáo.
PPI Group
PPI tiền thân là Chi nhánh Công ty xây dựng công trình 120 thuộc Công ty xây dựng công trình 120, được cổ phần hoá từ năm 2004, với mảng hoạt động ban đầu là xây lắp. Sau cổ phần hóa, PPI bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Giai đoạn 2007 - 2009, bất động sản luôn giữ trên mức 65% trong cơ cấu doanh thu của PPI.
Giai đoạn 2006 - 2010 ghi nhận chặng đường bùng nổ nhất đối với PPI về cả doanh thu và lợi nhuận, nhờ sức nóng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2013, doanh thu và lợi nhuận của PPI đều ở mức rất thấp do sự đóng băng của thị trường.
Giai đoạn 2014 - 2015, PPI đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và mang về kết quả khả quan khi lần lượt báo lãi. Song, năm 2016 và 2017 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trở lại.
Năm 2020, thanh tra UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PPI do công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 có thông tin sai lệch so với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 về các chỉ tiêu dự phòng các khoản phải thu, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
Danh mục dự án của PPI chủ yếu tập trung ở khu vực TP HCM và vùng ven. Có thể kể đến như Khu dân cư Vĩnh Phú 2 tại Thuận An, Bình Dương (hơn 47 ha, 403 tỷ đồng); Khu dân cư Bến Lức tại Long An (27,8 ha; 288 tỷ đồng); Long Hội City (20,4 ha; 220 tỷ đồng); Newton Apartment (157 tỷ đồng)...