Một trong những lợi thế của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn là việc có trữ lượng đất hiếm rất lớn. Theo ước tính, trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Hiện Việt Nam có trữ lượng đạt khoảng hơn 20 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Xếp sau Việt Nam là Brazil, Nga, Ấn Độ,…
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Đây là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.
Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Đất hiếm cũng là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió… hay việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính. Vì vậy, việc khai thác đất hiếm của Việt Nam được các doanh nghiệp nhất là các nhà đầu tư vào ngành bán dẫn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên tài nguyên chiến lược, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như bô xít: Khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn.
Với đất hiếm, Bộ TN&MT đánh giá Việt Nam có trữ lượng khoảng 2,7 triệu tấn, đồng thời tài nguyên đất hiếm khoảng 18 triệu tấn nữa nên tổng thể Việt Nam có 20,7 triệu tấn đất hiếm. Hiện nay, Thủ tướng đang giao cho Bộ TN&MT đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng đất hiếm.
"Theo kết quả điều tra Việt Nam tiềm năng đất hiếm khoảng xấp xỉ 30 triệu tấn", Bộ trưởng Khánh nói và cho biết Chính phủ chỉ đạo tính toán việc chế biến sâu, chế biến tinh đất hiếm để phục vụ công nghiệp chip, bán dẫn.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nếu Việt Nam chế biến sâu được đất hiếm sẽ phục vụ ngay cho nhu cầu trong nước và nghiên cứu để có thể xuất khẩu.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cần đáp ứng được yêu cầu về công nghệ. Trước đây việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu một cách tổng thể dẫn đến chưa có chế biến sâu.
Việc thu hút đầu tư, liên doanh hoặc chuyển giao công nghệ này cũng chưa được nghiên cứu, đẩy mạnh. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành cần đánh giá trữ lượng đất hiếm một cách chính xác để báo cáo và trong quá trình thu hút đầu tư, liên doanh để khai thác cần gắn với tiềm năng, lợi thế và gắn với công nghiệp của Việt Nam.
"Phải cố gắng để chuyển giao công nghệ, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho đất nước. Trong quá trình này Bộ TN&MT và các địa phương có tiềm năng đất hiếm gồm Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai đang phải tăng cường quản lý đất hiếm, tránh khai thác, buôn bán trái phép", Bộ trưởng nói.
Các mỏ đất hiếm có mỏ ở sâu, có mỏ phân tán nhỏ lẻ trên bề mặt do đó phải quản lý để tránh việc khai thác, buôn bán đất hiếm trái phép, Bộ trưởng cho hay.