Theo báo cáo quý II, Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (Mã: PVS) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 18% lên 5.578 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 23% lên gần 231 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp cải thiện nhẹ ở mức 4,1%.
Điểm sáng khác là lãi từ các công ty liên doanh liên kết tăng 26% đạt 223 tỷ đồng và lợi nhuận khác đạt 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVS lại hụt mạnh nguồn thu từ hoạt động tài chính, cộng thêm việc tăng mạnh các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Kết quả, tổng công ty có lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phía doanh nghiệp lý giải do hoạt động tài chính giảm sút, trong khi chi phí quản lý cao hơn cùng kỳ do không còn được hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi các khoản nợ như cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung từ đầu năm, PVS có doanh thu thuần tăng trưởng 10% đạt 9.287 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 513 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp lớn nhất là hoạt động là mảng dịch vụ cơ khí và xây lắp với doanh thu hơn 4.400 tỷ; tiếp đến là mảng dịch vụ tàu kỹ thuật và dịch vụ cung ứng kho đều mang về hơn nghìn tỷ. Tuy nhiên, mảng dịch vụ căn cứ cảng hoạt động hiệu quả nhất khi đóng góp 141 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Theo kế hoạch 2024, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, giảm gần 29% so với mức thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 660 tỷ đồng, giảm gần 38% so với mức nền kỷ lục.
Với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và gần 78% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa chặng đường.
Hiện tổng tài sản của PVS đã lên gần 27.000 tỷ đồng; trong đó lượng tiền và tiền gửi ở mức 9.939 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 37%. Doanh nghiệp cũng có khoản đầu tư lớn gần 5.000 tỷ đồng vào các công ty liên doanh liên kết.
Tổng nợ vay tài chính cuối quý này đạt mức 1.864 tỷ đồng, chiếm 7% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu hơn 13.900 tỷ, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm hơn 3.900 tỷ đồng.