Các nhà nghiên tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu dữ liệu khí tượng và phát hiện ra rằng khoảng 75% diện tích đất liền trên thế giới đã chứng kiến sự gia tăng "biến động về lượng mưa" hoặc sự thay đổi lớn hơn giữa thời tiết ẩm ướt và khô hạn.
Nhiệt độ ấm lên đã tăng cường khả năng giữ độ ẩm của khí quyển, điều này đang gây ra sự biến động lớn hơn về lượng mưa - các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài báo được công bố trên tạp chí Science.
Ông Steven Sherwood - nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học New South Wales, người không tham gia vào nghiên cứu này - cho biết: "Tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra làm tăng khả năng xảy ra hạn hán và/hoặc lũ lụt".
Các nhà khoa học tin rằng biến đổi khí hậu cũng đang định hình lại "hành vi" của các cơn bão nhiệt đới, khiến chúng ít xảy ra hơn nhưng có cường độ mạnh hơn.
Bão Gaemi - lần đầu tiên đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 24/7 - là cơn bão mạnh nhất tấn công hòn đảo này trong 8 năm qua.
(Ảnh: AFP)
Mặc dù khó có thể quy các sự kiện thời tiết riêng lẻ cho biến đổi khí hậu nhưng những mô hình dự đoán rằng tình trạng nóng lên toàn cầu khiến bão mạnh hơn - Sachie Kanada, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nagoya của Nhật Bản, cho biết - "Nhìn chung, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xoáy thuận nhiệt đới".
Trong Sách Xanh về biến đổi khí hậu được công bố trong tháng 7 này, Trung Quốc cho biết số lượng bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông đã giảm đáng kể kể từ những năm 1990, nhưng chúng đang trở nên mạnh hơn.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng nhận định trong báo cáo về biến đổi khí hậu được công bố vào tháng 5 rằng biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm tổng số cơn bão trong khu vực đồng thời khiến các cơn bão trở nên dữ dội hơn.
Feng Xiangbo - một nhà khoa học nghiên cứu về xoáy thuận nhiệt đới tại Đại học Reading - cho rằng sự sụt giảm số lượng cơn bão là do mô hình ấm lên không đồng đều của đại dương, với nhiệt độ tăng nhanh hơn ở Tây Thái Bình Dương so với phía Đông. Ông cho biết khả năng chứa hơi nước ở tầng khí quyển sẽ tăng 7% cho mỗi lần nhiệt độ tăng 1°C, trong khi lượng mưa do xoáy thuận nhiệt đới ở Mỹ tăng tới 40% cho mỗi lần nhiệt độ tăng 1°C.