Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết vào 6h56 sáng nay (ngày 29/7) tại Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra trận động đất thứ 10 có độ lớn 2,6 độ.
Vị trí xảy ra động đất được xác định ở tọa độ 14,788 độ vĩ Bắc, 108,214 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trong ngày 28/7, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 13 trận động đất xảy ra tại Kon Tum, trong đó đáng chú ý có trận động đất mạnh kỷ lục vào lúc 11h 35 là 5,0 độ Richter tại H.Kon Plông. Mức độ rủi ro thiên tai cấp 2. Đây được xác định là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.
Trước đây, trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận tại Kon Tum có độ lớn 4,7 độ Richter ngày 23/8/2022.
Như vậy, tính cả trận này, Kon Tum đã hứng chịu 32 trận động đất trong 24 giờ qua, đây được xem là kỷ lục mới về động đất được ghi nhận tại Kon Tum. Số vụ động đất được các chuyên gia nhận định vẫn chưa dừng lại.
TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa.
Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.
"Động đất kích thích là do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân...", Tuổi trẻ online dẫn thông tin từ ông Xuân Anh cho biết về nguyên nhân của các trận động đất kích thích.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho hay hiện viện đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, động đất 5.0 là động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình nhưng các địa phương vẫn cần kiểm tra đánh giá thiệt hại.
Theo dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ.
Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.
Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Động đất kích thích ở Kon Tum có thể kéo dài trong nhiều năm tới
Vào ngày 28/7, chia sẻ trên Tiền Phong, PGS. Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định).
Ông Triều cũng nhận định động đất kích thích tại Kon Plông có thể kéo dài trong nhiều năm tới do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất. Động đất kích thích ở Kon Tum xảy ra trên nền địa chất có nhiều đá biến chất, cùng đặc điểm địa chất với thủy điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam, nơi từng xảy ra động đất kích thích kéo dài hơn 10 năm.
Theo PGS. Cao Đình Triều, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích. Trong đó, tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 54 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.0 độ.
Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.